Trong quá trình tập giảm cân, có thể bạn sẽ rơi vào những trường hợp chẳng hạn như lỡ nhịp trong lớp học thể dục nhịp điệu, mất thăng bằng trong những bài tập Yoga, hay thậm chí khi mang giày cao gót bạn cũng cảm thấy lảo đảo. Đó chính là do cơ thể bạn bị thiếu đi một thứ nội lực khá tinh tế đó là sự nhận cảm, hay còn gọi là sự nhạy bén của cơ thể. Các chuyên gia thì gọi đó là “giác quan thứ sáu” của cơ thể, vì nó có tác động đến khả năng thăng bằng, sự phối hợp và linh hoạt của bạn trong tất cả các hoạt động thể chất hay thể dục thể thao.
Những cơ quan thụ cảm của cơ thể chính là thứ quyết định bạn cần bao nhiêu cơ bắp để vận dụng trong một tình huống nào đó, trước cả khi suy nghĩ của bạn kịp hình thành. Chẳng hạn như chúng sẽ giúp bạn quay đầu xe về đúng hướng quanh một con đường vòng hoặc đánh quả bóng tennis với số lực cần thiết. Những cơ quan này còn giúp cho khớp xương di chuyển theo vị trí chính xác, giúp chúng xoay theo một góc cần thiết khi thực hiện hoạt động.
Chính vì thế, khả năng giữ thăng bằng và phối hợp kém chính là những dấu hiệu cho thấy sự nhạy bén của cơ thể bạn có vấn đề và cần được nâng cao. Động tác đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn đo độ nhạy bén của cơ thể. Cứ vài tuần lại kiểm tra một lần để xem bạn có cải thiện được nhiều hay không.
Đứng thẳng, hai tay chống lên hông, bàn chân phải đạp lên mặt trong của bắp chân trái, ngay bên dưới đầu gối trái, còn đầu gối phải thì gập lại và chĩa ra ngoài (A). Nhón gót chân trái lên (B). Sau đó bấm giờ và giữ yên tư thế cho đến khi gót chân trái tự động hạ xuống đất, bàn chân phải rơi xuống mặt đất, hay hai tay rớt ra khỏi hông.
Kết quả:
Yếu: <10 giây
Kém: 10-24 giây
Trung bình: 25-39 giây
Tốt: 40-50 giây
Xuất sắc: >50 giây
Để tăng cường sự linh hoạt của cơ thể, cần áp dụng 3 set gồm 3 bài tập dưới đây vào 2-3 ngày mỗi tuần.
Bài 1
Chuẩn bị 4-8 chiếc rào nhỏ và xếp thẳng hàng, mỗi chiếc cách nhau 40-50cm, đứng ở đầu bên phải của hàng rào. Nhấc chân trái lên bước qua chiếc rào đầu tiên (A), sau đó đến khi chân phải bước qua thì chân trái tiếp tục nhấc lên bước sang chiếc rào thứ hai (B). Tiếp tục cho đến khi bạn vượt qua hết dãy rào rồi đảo ngược động tác để trở về vị trí ban đầu. Sau đó lặp lại, chỉ có điều lần này nhảy lên 2 chiếc rào một lượt. Nghỉ 30 giây, sau đó đổi qua bên trái của dãy rào và tiếp tục thực hiện động tác.
Bài 2
Đứng với chân phải làm trụ, tay trái cầm một quả tạ, cánh tay duỗi thẳng, lòng bàn tay hướng về phía sau, tay phải tựa lên phần lưng dưới (A). Hạ thân trên xuống đồng thời nhấc chân trái lên về phía sau và hạ chiếc tạ về phía mặt đất, theo một đường thẳng với vai (B). Siết chặt gân khoeo và cơ mông để quay về tư thế ban đầu. Thực hiện 8 lần, sau đó đổi bên và lặp lại.
Bài 3
Đứng thẳng, hai chân cách nhau một khoảng rộng hơn vai, xoay vai về phía một bức tường, cách tường khoảng 60-90cm, hai tay ôm một quả bóng tập và đặt bóng kế bên hông phải (A). Đẩy hông phải hướng về phía bức tường và ném quả bóng lên tường (B). Chụp lại quả bóng với hai cánh tay duỗi thẳng rồi quay về tư thế ban đầu. Thực hiện mỗi bên 6 lần.
Ngoài ra, nếu có thể, hãy bỏ giày và tập bằng chân không càng nhiều càng tốt. Chính vì ở đôi bàn chân có tập trung một số lượng đông đảo các cơ quan thụ cảm, chúng liên tục truyền tín hiệu về vị trí của cơ thể đến với bộ não. Chính vì thế nên khi mang giày, chất lượng và tốc độ của những tín hiệu này bị hạn chế đáng kể.