Phương pháp đi kết hợp với chạy cần nhiều yếu tố chứ không đơn thuần là chạy cho đến khi nào hết sức thì hãm tốc độ lại để đi. Về cơ bản đây là một kỹ thuật kết hợp việc chạy và đi ngắt quãng để giảm tác động đối với cơ thể, giúp cơ thể giữ dáng, tăng cường tốc độ và giúp bạn hồi phục hiệu quả hơn. Phương pháp này cũng khá đơn giản, chỉ bằng cách đi bộ vài phút, bạn đã tự đem đến một khoảng thời gian vừa đủ để cơ thể hồi phục sau khi chạy. Điều đó có nghĩa thay vì vắt kiệt sức bằng quãng đường chạy dài hơi, bạn có thời gian để hãm lại, hít thở để tiếp tục chạy với tốc độ và năng lượng được bổ sung.
Đi chạy là một kỹ thuật khá hay dành cho những người mới bắt đầu tập chạy. Bạn không những cho mình thời gian để hồi phục mà việc chia nhỏ quãng đường chạy còn khiến cho mục tiêu của bạn dễ thực hiện hơn. Mặc dù vậy, kỹ thuật đi chạy không phải chỉ dành cho những người mới tập hay những người tập giảm cân. Trong thực tế, những vận động viên điền kinh và marathon đều áp dụng phương pháp này để điều hòa thân nhiệt và duy trì năng lượng. Phương pháp này cũng giúp bảo vệ cơ thể vì sau khi hoàn thành xong quãng đường chạy, áp lực tích tụ trong cơ thể trong cả quãng đường sẽ giảm bớt vì bạn đã tranh thủ được thời gian hồi phục trong suốt quãng đường vừa đi vừa chạy rồi.
Và điều thú vị nhất đó là bạn có thể tự mình sáng tạo hay điều chỉnh những chương trình tập giảm cân khác có kết hợp với kỹ thuật đi chạy, và nó không bao giờ lỗi thời. Sau đây là phương pháp áp dụng:
1. Xác định tỷ lệ thời gian đi chạy
Nếu bạn chỉ đang học chạy, việc tìm ra tỷ lệ khá đơn giản: bắt đầu bằng việc đi bộ để làm nóng cơ thể, sau đó chạy cho đến khi bạn có thể nghe thấy hơi thở của mình và ghi chú lại thời gian. Đó chính là thời gian cần thiết trong bài tập chạy ngắt quãng. Bây giờ nhân đôi con số đó lên là bạn có thời gian đi bộ ngắt quãng. Lấy ví dụ: bạn chạy trong vòng 2 phút và bắt đầu nghe thấy hơi thở của mình thì tức là bài tập đi chạy của bạn sẽ gồm 2 phút chạy và 4 phút đi.
Đối với những người có thể chạy liên tục hàng cây số và muốn tăng thêm độ bền thì nên chọn tỷ lệ 4-1 (4 phút chạy, 1 phút đi) và 5-1. Nếu tỷ lệ này không hiệu quả thì có thể giảm xuống còn 2-1 hay 3-1.
2. Đi có mục đích
Trong quãng đường đi ngắt quãng, bạn nên đi như thể mình đang tập thể dục nhịp điệu, tức là có thể nói thành câu và hít thở dễ dàng, nhưng đồng thời bước chân phải đủ nhanh nhẹn để nhịp tim đập nhanh. Có thể kiểm tra nhanh bằng cách để ý nếu thấy mình đang đi như thể đang ngắm hàng trong siêu thị hay có thể đọc thấy tin nhắn trên điện thoại thì tức là đang đi quá chậm.
3. Vạch ra kế hoạch và làm theo
Chạy một mạch cho đến khi về đích khác với vừa đi vừa chạy, bạn phải áp dụng phương pháp đi chạy ngay từ bước chân đầu tiên chứ đừng biến kế hoạch luyện tập của mình thành một lý do để được đi. Có thể sử dụng những chiếc đồng hồ bấm giờ có chức năng tít hoặc rung mỗi khi đến giờ thay đổi giữa hai bài tập. Ngay cả khi bạn cảm thấy không cần thiết phải đi khi đồng hồ tít thì cũng nên làm theo vì nếu bạn không thay đổi từ chạy sang đi khi đến thời gian đã định, bạn sẽ không nhận được bất kỳ lợi ích nào của kỹ thuật đi chạy. Tất nhiên, không phải ai hay lúc nào cũng áp dụng kỹ thuật này. Nếu bạn thường tập giảm cân bằng cách chạy liên tục thì có thể để dành bài tập này cho những cuộc chạy dài hơi vào cuối tuần chẳng hạn.