Khi nhắc đến các sự kiện thể thao tầm cỡ như Olympic hay World Cup, mọi người đều cho rằng đó là một mỏ vàng với lượng khách du lịch vô tận và hàng tấn tiền được chi ra khắp các con phố của nước chủ nhà. Tuy nhiên, đó chỉ là một góc nhỏ trong những lợi ích mà chúng ta thấy được từ việc đăng cai các sự kiện thể thao có quy mô lớn. Còn những tác động của nó tới mọi mặt đời sống của người dân cũng như daonh nghiệp thì khó có thể thống kê hết được.
Những tác động ngắn hạn cho các doanh nghiệp
Hàng loạt công trình nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về sự thúc đẩy tăng tưởng kinh tế của nước đăng cai tổ chức các giải đấu lớn trong giai đoạn ngay trước giải đấu.
Có bằng chứng cũng đưa ra biểu đồ rõ ràng về việc các khu vực kinh tế có sự tăng trưởng trong hoạt động và khoảng thời gian tăng trưởng. Khi phân tích những tác động của TVH Sydney, Giesecke và Madden (2007) thấy rằng tác động đáng kể nhất là trong ngành công nghiệp xây dựng trong thời gian chuẩn bị cho sự kiện này. Một loạt các nghiên cứu khác cũng thấy rằng có sự tăng mạnh gắn với việc xây dựng các địa điểm thi đấu nhưng lại giảm mạnh trong năm diễn ra các sự kiện (Spilling, 1996; CREA, 1999). Thực tế này diễn ra ở hầu hết các sự kiện thể thao lớn, bao gồm cả các Đại hội thể thao khối thịnh vượng chung (KPMG, 2006). Các nghiên cứu tương tự cũng cho thấy những lĩnh vực khác chịu sức ép nặng nề nhất là khách sạn và du lịch. Những ngành này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong năm diễn ra các sự kiện với những tác động được thúc đẩy bởi một số lượng lớn khách tham quan đến với chính giải đấu đó.
Theo giới truyền thông, một trong các sự kiện thể thao thành công nhất từng được tổ chức là Thế vận hội Olympic mùa hè 1988 tại Seoul (Hàn Quốc). Trong giai đoạn 1981 - 1988, số người có việc làm của Hàn Quốc đã tăng lên hơn 300.000, thu nhập cả nước thêm 12,4% và GDP bình quân đầu người tăng từ 2.300 USD lên 6.300 USD. Tăng trưởng ấn tượng sau sự kiện này đã đưa Hàn Quốc vào nhóm các nước công nghiệp mới (NIC).
Đây cũng là kỳ Olympic có lợi nhuận lớn nhất trong lịch sử với 479 triệu USD, cao hơn tới 125 triệu USD so với dự đoán. Tổng cộng, nước này thu về 987,5 triệu USD, trong khi chi phí là 847,7 triệu USD, lợi nhuận sổ sách 139,8 triệu USD. Đó là chưa kể đến hơn 300 triệu USD tiền tài trợ của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp nước này.
Các mức gia tăng hoạt động kinh tế trong ngắn hạn có thể cung cấp những cơ hội đáng kể cho một loạt các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bằng chứng rút ra từ TVH London 2012 cho thấy rằng cổng thông tin trực tuyến mà thông qua đó các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh để dành được các hợp đồng liên quan đến Olympic, đó là CompeteFor ( là một trang web được thiết lập với sự hợp tác giữa Cơ quan Phát triển London (LDA) và London Business Network), cung cấp hơn 12.000 cơ hội kinh doanh, với một tỷ lệ đáng kể trong số này được giành cho các doang nghiệp vừa và nhỏ (Michael, 2013). Cũng có bằng chứng của sự gia tăng ban đầu khoảng 2,5 tỷ Bảng đầu tư trực tiếp nước ngoài nhờ có Đại hội thể thao này (Michael, 2013).
Những tác động lâu dài cho các doanh nghiệp
Một số bằng chứng đáng khích lệ nhất về tiềm năng đạt được những lợi ích kinh tế lâu dài đã được tìm thấy từ TVH Barcelona 1992. Brunet (2005: 5) cho rằng Barcelona đã “rất thành công trong việc khai thác các di sản của Đại hội Thể thao này”. Ông nhận thấy Đại hội thể thao này đã thành công trong việc duy trì sự tăng trưởng trên một quy mô chưa từng thấy trước đây và cung cấp một “tấm nệm mềm mại, chặn đứng sự sụp đổ trong một thời gian nói chung là ảm đạm” ở Tây Ban Nha (Brunet, 2005 pp). Tuy nhiên, cũng như những giải đấu thể thao lớn khác, rất khó để tách biệt rạch ròi những ảnh hưởng này ra khỏi quá trình tái thiết rộng lớn hơn của Barcelona.
Một nghiên cứu khác về các giải đấu lớn cho rằng một khái niệm cơ bản của Đại hội thể thao này là “tính nhất thời” của nó, và có những giới hạn ảnh hưởng lâu dài của sự kiện thể thao lớn (Spilling, 1996). Nhìn vào TVH mùa đông Lillehammer năm 1994, cũng như xem xét các bằng chứng hiện có, Spilling thấy rằng ngoại trừ du lịch là có thể, hầu hết các tác động kinh tế đều mang tính tạm thời. Ông thấy rằng hiệu lực dài hạn được tạo ra bởi Đại hội thể thao này có xu hướng quan trọng hơn đối với địa phương, chứ không phải đối với nền kinh tế quốc gia (Spilling, 1996).
Xem xét các tác động về tổng thể, một số tác giả kết luận rằng đã có một xu hướng ước tính quá mức những lợi ích của các giải đấu lớn. Khi xem xét các nghiên cứu đã được tiến hành đến nay, cả hai tác giả Kasimati (2003) và McCartney và Cs. (2010) đều thấy rằng những nghiên cứu này quá phụ thuộc vào dữ liệu ước tính mà không tính đến một số các yếu tố tiêu cực liên quan tới các Đại hội thể thao. Tuy nhiên, khi xem xét các chứng cứ hai tác giả trên, Andersson và CS. (2008) đã cho rằng mặc dù đầu tư ban đầu có thể dẫn đến sự kém hiệu quả trong ngắn hạn, song đó vẫn có thể là một sự đầu tư tốt trong dài hạn nếu nó dẫn đến sự phát triển của các lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế.
Những phát hiện này được hỗ trợ bởi dự báo đưa ra về những ảnh hưởng lâu dài của TVH London. Công trình nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế của họ dự báo rằng hoạt động liên quan đến Đại hội thể thao này sẽ tạo ra khoảng 28 tỷ Bảng đến 41 tỷ Bảng trong tổng giá trị gia tăng (GVA) đối với nền kinh tế từ năm 2004 đến năm 2020. Hoạt động này được ước tính lên đến đỉnh điểm mạnh mẽ vào năm 2012 trước khi giảm mạnh cho đến năm 2015.
Kỷ lục về kỳ Thế vận hội tốn kém nhất thuộc về Olympic Bắc Kinh 2008 với chi phí gần 300 tỷ NDT (40 tỷ USD). Nước này đã cho xây dựng nhiều tuyến tàu điện ngầm mới, một nhà ga sân bay, đường sắt loại nhẹ, đường bộ và nhiều điểm thi đấu thể thao khác. Nổi tiếng nhất là Sân vận động Olympic (Sân Tổ chim) gần 100.000 chỗ ngồi với chi phí 423 triệu USD. Tổng cộng, nước này thu lãi hơn 1 tỷ NDT (146 triệu USD). Kể từ khi giành quyền đăng cai Olympic, giai đoạn 2001 - 2006, GDP nước này tăng với tốc độ trung bình 12,2% hàng năm. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng hơn gấp đôi lên 6.300 USD. Tổng cộng, Olympic đã tạo ra hơn 1,8 triệu việc làm cho nước này.
K.Tùng