Không để bị tụt hậu, Bắc Giang cũng thể hiện quyết tâm qua Đề án Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2030.
Theo đó, từ năm 2024-2026, Bắc Giang tập trung đầu tư cho các môn thể thao thế mạnh, trong đó chú trọng đầu tư phát triển các môn thể thao mũi nhọn, có trong chương trình thi đấu Đại hội Thể thao toàn quốc, SEA Games, Asiad, Olympic. Phát triển một số môn thể thao mới, như: Cờ vây, kéo co, nhóm môn thể thao dưới nước (Canoeing, Rowing…), nhóm các môn võ (Kickboxing, Kurask…).
Hằng năm, tham gia thi đấu giành từ 200-230 huy chương các loại, trong đó có 6-8 huy chương quốc tế, đóng góp từ 15 - 20 VĐV vào các đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia, có từ 50 VĐV đạt đẳng cấp quốc gia. Giai đoạn 2027-2030, hằng năm, tham gia thi đấu giành từ 220-250 huy chương các loại, trong đó có 8-10 huy chương quốc tế. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ XI năm 2030, phấn đấu trong tốp 15 các tỉnh, TP, ngành tham dự Đại hội trong bảng tổng sắp huy chương và xếp thứ Nhất các tỉnh miền núi trong toàn quốc.
Nhằm nâng cao chất lượng công tác chuyên môn đối với các môn thể thao thành tích cao, nhất là bộ môn mới, thời gian tới, thể thao Bắc Giang sẽ kết hợp với Viện Khoa học TDTT áp dụng các Tiêu chuẩn tuyển chọn VĐV đã được Bộ VHTTDL nghiệm thu, đặc biệt là môn cầu lông, điền kinh. Tăng cường tổ chức tập huấn ở nước ngoài, các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Hằng năm, có kế hoạch thuê chuyên gia giỏi để huấn luyện các VĐV có khả năng tranh huy chương ở các giải quốc gia, khu vực và quốc tế.
Hiện tại, các quốc gia trên thế giới đều đang đẩy mạnh việc áp dụng những ứng dụng của khoa học công nghệ vào việc nâng cao thành tích của các vận động viên, trong đó có các lĩnh vực như sinh lý, tâm lý, điều khiển cơ và cơ chế sinh học ngoài ra còn cả dinh dưỡng, chế độ ăn uống, công nghệ thể thao, nhân trắc học, kích thước cơ thể và việc phân tích hiệu suất. Nếu không nhanh chóng tìm ra giải pháp, thể thao Việt Nam sẽ nhanh chóng mất đi vị thế ở châu lục và thế giới.
Không chỉ dừng lại ở mức độ chuyên môn thể thao thành tích cao, Thể thao Bắc Giang còn muốn học hỏi kinh nghiệm khai thác Kinh tế thể thao. Tại Học viện Tài chính Kinh tế Thượng Hải, đây là cơ sở giáo dục công lập chuyên giảng dạy về tài chính và kinh tế, nhưng cũng quan tâm đến công tác thể thao, chú trọng kết hợp thể thao và giáo dục. Học viện đã xây dựng được các đội tuyển thể thao thành tích cao như đội Taekwondo, Đấu kiếm và Bóng đá nữ Thượng Hải, trở thành ngôi trường đầu tiên có mô hình “Đội tuyển trong thành phố”, đào tạo được các vận động viên Vô địch Thế giới như Vương Lỗi, Chung Vệ Bình, Trương Anh…
Từ mô hình này, Sở Văn hóa và Thể thao, Du lịch Bắc Giang sẽ thí điểm thực hiện cơ chế đặt hàng một số môn thể thao phù hợp vào các Trường Đại học, và các Liên đoàn, Hiêp hội trực tiếp quản lý (có cam kết thành tích khi nhận nhiệm vụ) để phát huy nguồn nhân lực, cơ sở vật chất của các đơn vị tổ chức, đồng thời tăng tính cạnh tranh trong các đơn vị đào tạo và các vận động viên thành tích cao.
Hoàng Minh