Một trong những niềm hy vọng lớn nhất của điền kinh Việt Nam là tổ chạy tiếp sức 4x400 m nam, nữ - gồm 6 VĐV là Quách Công Lịch, Trần Đình Sơn, Trần Nhật Hoàng, Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan và Nguyễn Thị Hằng - đã không thể sang Ba Lan tham dự Giải Điền kinh các nội dung tiếp sức thế giới 2021 diễn ra đầu tháng 5 vừa qua. Kế hoạch tham dự đã được chuẩn bị tích cực trong hơn một năm, vào phút chót phải hủy bỏ do không thể tìm được chuyến bay trở về nước cho các tuyển thủ khi dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp tại châu Âu.
Không thể tham dự sự kiện hiếm hoi được tổ chức trong tình hình hiện nay, điền kinh Việt Nam coi như chẳng còn giải đấu nào để kiếm suất chính thức đến tranh tài tại Thế vận hội Tokyo. Chút hy vọng mong manh được dồn cả vào Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), lâu nay vẫn có quy định trao vài vé đặc cách tham dự cho các quốc gia thành viên không có VĐV giành suất chính thức ở từng bộ môn.
Lần gần nhất điền kinh Việt Nam tham dự đấu trường Olympic bằng cách này là ở kỳ Thế vận hội 2008 tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) với hai suất vé đặc cách được trao cho Vũ Thị Hương (100 m nữ) và Nguyễn Đình Cương (800 m nam).
Theo ông Dương Đức Thủy, Trưởng Bộ môn Điền kinh thuộc Tổng cục TDTT, quy định đặc cách của IOC hiện thu hẹp chỉ còn mỗi quốc gia một suất. Từng quốc gia sẽ lên danh sách lựa chọn và đề cử một VĐV trước hạn chót ngày 21-6-2021. IOC sẽ phê chuẩn quyền tham dự vào 1-7 để các nước đăng ký thành viên đặc biệt này vào danh sách tham dự chính thức trong thời hạn 3 ngày tiếp theo.
Điền kinh Việt Nam sẽ phải thực hiện một đợt sàng lọc, tuyển chọn gương mặt ưu tú nhất để trao suất đặc cách này. Olympic có thể vẫn là sân chơi quá tầm đối với thể thao Việt Nam, nhưng đối với VĐV, đây chính là cơ hội tốt nhất để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, chưa kể chỉ riêng việc góp mặt ở đấu trường này đã là vinh dự lớn của cả một đời VĐV.
Liên đoàn Điền kinh Việt Nam dự kiến sẽ trao suất đặc cách đến Olympic Tokyo cho Quách Thị Lan, kỷ lục gia Việt Nam, nhà vô địch ASIAD 2018 và HCV châu Á 2019 cự ly 400 m rào. Một số gương mặt xuất sắc khác như Lê Tú Chinh (100 m nữ), Trần Nhật Hoàng (400 m nam)… cũng được các nhà chuyên môn mạnh dạn đề xuất, làm phong phú danh sách đề cử và chọn lựa cũng như đáp ứng được yêu cầu là đại diện xứng đáng của điền kinh Việt Nam tại đấu trường lớn Thế vận hội.
Tính đến thời điểm hiện tại, thể thao Việt Nam đã có 8 VĐV giành suất chính thức dự Olympic Tokyo gồm: Nguyễn Huy Hoàng (bơi); Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành (thể dục dụng cụ); Nguyễn Văn Đương (quyền Anh); Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung); Lường Thị Thảo, Đinh Thị Hảo (đua thuyền rowing).
Cử tạ, cầu lông, bơi và taekwondo đang chờ các suất chính thức sau cùng bên cạnh vé đặc cách của điền kinh.
ĐÔNG LINH