Bốn năm sau, con đường bảo vệ ngôi vô địch của Nguyệt Ánh trở nên vô cùng gập ghềnh bởi chấn thương chưa lành hẳn và những đối thủ lớn mới xuất hiện ngày một nhiều. Song, võ đài cũng như cuộc đời của Nguyệt Ánh, lúc khó khăn nhất lại là lúc cô thấy mình trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Mạnh mẽ từ ấu thơ
Chẳng phải ngẫu nhiên mà cô bé có nụ cười tươi như hoa ấy lại thích để đầu tóc ngắn từ nhỏ. Ông Long, bố của Ánh kể rằng: 'Từ hồi bé, Nguyệt Ánh đã thể hiện rõ cá tính mạnh mẽ của mình. Ánh để tóc ngắn ngoài lý do không để các bạn bắt nạt thì còn một lý do khác là cháu rất thích đá bóng!'. Chẳng thế mà năm 1998, khi Trung tâm bóng đá Hải Phòng tuyển sinh bóng đá nữ, Nguyệt Ánh nằng nặc đòi bố mẹ đưa đi dự tuyển. Tất nhiên, bố mẹ Ánh không thể đồng ý cho cô con gái rượu theo học 'cái môn thể thao chỉ dành cho đám con trai'. Vì thế, bố mẹ Ánh đã phải nghĩ ra 'tuyệt chiêu' nhờ bảo vệ trung tâm nói rằng đã hết hạn nhận hồ sơ. Khóc mất mấy ngày, Nguyệt Ánh khiến cả nhà ngã ngửa khi 'chuyển hướng' sang học ka-ra-tê-đô.
Thương con, ông bà Long đồng ý cho con học. 'Dù sao thì học võ còn nữ tính chán so với đi đá bóng!'. Bố mẹ Ánh không ngờ, từ cái bước ngoặt chỉ vì chiều con lần ấy mà tám năm sau, thể thao Việt Nam được ghi danh ở đấu trường châu lục với tấm HCV chói lọi giành được bởi sự xuất sắc của Nguyệt Ánh.
Khó khăn nào cũng vượt qua
Phải mất tám năm để Nguyệt Ánh bước lên đỉnh cao nhất của sân chơi châu lục. Khoảng thời gian không quá dài với một đời người, nhưng lại mang quá nhiều những trải nghiệm với cô gái quê Hải Phòng. Mới học ka-ra-tê-đô có hơn một năm, vì những lý do khách quan, Nguyệt Ánh chuyển đến đầu quân cho đoàn Quân đội. Phải xa bố mẹ khi mới bước qua tuổi 15, Nguyệt Ánh đã gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đã xác định theo nghiệp võ là không bao giờ biết đầu hàng trước số phận.
Sự nỗ lực trong tập luyện và cả sinh hoạt đời thường của Ánh đã chiếm được cảm tình sâu đậm của HLV Lê Công, người sau này đã đưa Nguyệt Ánh lên đỉnh cao của vinh quang. Tại ASIAD 15, ít ai biết rằng trước trận chung kết lịch sử với võ sĩ Va-san-tha Ma-ri-an An-thô-ny (Vasantha Marial Anthony) người Ma-lai-xi-a, ÐT Ka-ra-tê-đô Việt Nam và cá nhân Ánh gặp áp lực rất lớn khi liên tục những niềm 'hy vọng vàng' của Việt Nam thất bại. Chưa hết, suốt ba ngày trước trận chung kết, Nguyệt Ánh bị tiêu chảy và phải tuân thủ một chế độ ăn uống, sinh hoạt rất khắt khe. Cô đã phải vào trận với cái bụng đói meo và thể lực suy giảm vì mất nước. Trong bối cảnh ấy, từ vòng đầu đến trận chung kết, Ánh vẫn luôn tự nhủ phải cố gắng hết mình và cô đã được đền đáp xứng đáng.
Tại SEA Games 25 trên đất Lào cũng vậy. Mặc dù phải thi đấu với chấn thương đầu gối chưa hoàn toàn bình phục, Nguyệt Ánh vẫn duy trì được tinh thần thi đấu hết mình để đạt thành tích cao nhất. Chính HLV Lê Công khi ấy đã nhận xét: 'Làm nên chiến tích không chỉ là những kỹ thuật đơn thuần, mà còn đòi hỏi rất nhiều về ý chí chiến đấu của các võ sĩ. Nguyệt Ánh là người luôn biết cách làm tốt nhất việc đó'.
Dường như cứ lúc nào khó khăn nhất thì Nguyệt Ánh lại biết cách vượt qua nhanh nhất và thể hiện được hết tố chất của mình. Bởi vậy, hãy cứ tin rằng Asian Games lần này, dù nhiệm vụ bảo vệ tấm HCV là vô cùng khó khăn với vết chấn thương chưa lành hẳn, nhưng Nguyệt Ánh vẫn đủ sức tiếp tục mang vinh quang về cho Tổ quốc.
theo nhandan.com.vn