Bốn năm trước, Ca-ta là nước chủ nhà của Ðại hội thể thao châu Á lần thứ 15, nhưng sau đó đã không tổ chức Ðại hội thể thao người khuyết tật châu Á như lệ thường. Thế chỗ Ca-ta, Ma-lai-xi-a đã nhận trách nhiệm đăng cai và tổ chức Ðại hội thể thao châu Á - Thái Bình Dương (FESPIC Games). Tại Ðại hội này, VÐV Ðào Văn Cường đã xuất sắc giành hai HCV, trong đó có HCV cá nhân ở đường chạy 400 m dành cho người khiếm thị. Hồi đó, thành tích của Ðào Văn Cường là 55 giây 42, được xác nhận là kỷ lục mới của châu Á. Cho đến nay, Ðào Văn Cường vẫn là VÐV thể thao khuyết tật duy nhất của Việt Nam đạt được đến tầm cao ấy.
Tại Ma-lai-xi-a hồi tháng 11-2006, Ðào Văn Cường còn cùng các đồng đội giành tấm HCV tiếp sức 4 x 100 m hạng thương tật T11-T13 với thành tích 47 giây 94, vượt qua các đội cùng tranh tài là Ðài Loan (Trung Quốc), Pa-ki-xtan và Ma-lai-xi-a. Cùng với thành tích nổi bật của Ðào Văn Cường, tại Ðại hội này, các VÐV thể thao khuyết tật Việt Nam đã giành chín HCV, 27 HCB và 32 HCÐ, xếp hạng 10 trên bảng xếp hạng chung cuộc.
Hai năm sau, Ðào Văn Cường tiếp tục tới Bắc Kinh (Trung Quốc) tham dự Ðại hội thể thao người khuyết tật thế giới (PARALYMPIC). Ở nội dung chạy 400 m sở trường, Ðào Văn Cường đã thi đấu hết sức nỗ lực, rút ngắn thành tích cá nhân của mình xuống còn 54 giây 36, tiếp tục phá kỷ lục châu Á (kỷ lục này vẫn đứng vững cho đến hiện tại). Ðáng tiếc, thành tích ấy đã không thể cạnh tranh được với các VÐV đến từ châu Phi và châu Âu.
Ðang dồn sức chuẩn bị cho cuộc chinh phục mới tại Asian Para Games Quảng Châu 2010, Ðào Văn Cường không giấu được những ưu tư: 'Lúc này, các VÐV khuyết tật đang tập luyện rất chăm chỉ tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội. Thế nhưng, hiện nay có một số khó khăn nhất định đó là thiếu người dẫn đường. Dự kiến sẽ có năm thành viên đội tuyển điền kinh khiếm thị thi đấu, nhưng chỉ có hai người dẫn đường. Chúng tôi sợ rằng, chính các VÐV dẫn đường sẽ không đủ sức khi phải luân phiên cùng chạy với năm VÐV. Hơn nữa, người dẫn đường quen thuộc của tôi là Nguyễn Tiến Tới đã không có tên trong danh sách đến Quảng Châu cho nên tôi e ngại rằng thành tích sẽ không được tốt như hồi dự Paralympic Bắc Kinh năm 2008. Mong rằng đến Ðại hội, chúng tôi sẽ phối hợp tốt hơn'.
Làm rõ vấn đề này, Tổng Thư ký Hiệp hội Thể thao người khuyết tật Việt Nam Vũ Thế Phiệt cho biết: 'Thực tế, hai VÐV dẫn đường là đủ. Nếu thiếu, chúng tôi có thể nhờ các VÐV dẫn đường của Trung Quốc, nên không lo về vấn đề này. Từ nay đến lúc thi đấu, các VÐV sẽ quen dần và mọi việc sẽ vào guồng'. Hy vọng là vậy, song khi thành tích của một VÐV điền kinh khuyết tật phụ thuộc rất nhiều vào sự ăn ý với người dẫn đường, thì niềm tin rằng mọi chuyện rồi sẽ 'xuôi chèo mát mái' liệu có đủ để Ðào Văn Cường một lần nữa chinh phục vinh quang?
ÐT Việt Nam qua hai loạt trận đầu AFF CupNhững bài học đắt giáTHIẾU HOÀNGNgay sau 'cơn mưa bàn thắng' trút vào lưới ÐT Mi-an-ma là thất bại nặng nề trước các cầu thủ Phi-li-pin, trận cuối vòng bảng của Ðt việt Nam gặp ÐT Xin-ga-po trở thành một cuộc quyết đấu. Tại sân vận động quốc gia Mỹ Ðình, thầy trò HLV Ca-li-xtô (Calisto) đã sớm nhận được những bài học đắt giá về sự khắc nghiệt của danh vọng, để cảm nhận rõ được sức nặng của chiếc vương miện vô địch mà họ đang mang.TRONG ánh hào quang lấp lánh của chiến thắng giòn giã và đầy ấn tượng 7-1 ngày ra quân, cũng đã thấp thoáng hiện lên những vết gợn hoài nghi về cách vận hành lối chơi của ÐT Việt Nam.
Màn trình diễn rực lửa tiến công của các cầu thủ áo đỏ đã làm rệu rã tinh thần chiến đấu của ÐT Mi-an-ma, qua đó che khuất những dự cảm bất an từng xuất hiện khi hàng thủ Việt Nam để đội khách san bằng tỷ số một cách tương đối dễ dàng và nhanh chóng, chỉ ba phút sau khi Anh Ðức nổ 'phát pháo đầu'. Pha kết thúc từ ngoài vòng cấm ấy của K. Mô-ê (Kyaw Moe) là một khoảnh khắc xuất thần, nhưng hỗ trợ cho Mô-ê, cặp trung vệ Như Thành - Phước Tứ cũng đã cùng lúc tỏ ra thiếu quyết đoán trong việc áp sát và ngăn chặn đường phản kích đơn lẻ ấy, tạo nên khoảng trống quý báu mở đường cho một bàn thắng phi thường.
Những sai lầm như thế không còn lặp lại trong trận mở màn, nhưng sự vững vàng và tỉnh táo của nhà vô địch vẫn chưa thật sự được thể hiện. Dồn dập tiến công cho đến tận tiếng còi mãn cuộc, đội tuyển Việt Nam khiến người hâm mộ nức lòng với khí thế sôi sục mà họ phả vào trận đấu. Song, khi Thành Lương phải nhận thẻ vàng bởi trọng tài nhận định là anh đã 'đóng kịch' để kiếm một quả phạt đền vào thời điểm chúng ta đã dẫn trước tới 4-1; khi Việt Cường bị đau do nỗ lực kiến tạo bàn thắng ấn định tỷ số cho Vũ Phong; khi HLV Ca-li-xtô để các trụ cột (đặc biệt là cặp tiền vệ trung tâm Tài Em, Minh Phương) căng sức thi đấu gần như cả trận, thì dường như cái giá phải trả cho trận thắng ấy là hơi đắt.
Không đội bóng lớn nào trên thế giới duy trì nhịp độ công kích chóng mặt trong suốt 90 phút thi đấu, trừ phi bị đặt vào tình thế bắt buộc. Nếu đã có được những gì mình muốn, họ sẽ giảm tốc độ lên bóng, giảm sức ép, lùi đội hình, 'hạ nhiệt' trận đấu, khống chế nhịp điệu và chờ đợi những sai lầm của đối thủ khi dâng cao tìm kiếm bàn thắng. Ðó là cách mà chính Tây Ban Nha, đội tuyển ÐKVÐ thế giới - ÐKVÐ châu Âu và lừng danh với lối đá tiến công, cũng vẫn sử dụng. Mục tiêu đầu tiên là để bảo vệ chiến thắng, và mục tiêu thứ hai, không kém phần quan trọng, là để bảo toàn sinh lực cũng như khả năng bùng nổ của các cầu thủ cho những thời điểm quan trọng hơn trong cả một chiến dịch.
Ðội tuyển ÐKVÐ khu vực Ðông - Nam Á đã không làm như vậy trong trận ra quân. Các học trò của HLV Ca-li-xtô đã bung hết sức lực không cần tiết kiệm cho một trận mở màn hoành tráng, một chiến thắng quá mức thuyết phục. Tinh thần đó của họ là rất đáng khen ngợi, nhưng phải chăng, chính chiến thắng dễ dàng ấy cũng đã khiến đôi chân của họ không còn được giữ vững trên mặt đất?
Phi-li-pin chưa từng là một đối thủ ngang tầm với ÐT Việt Nam. Mặc dù vậy, cách mà họ khiến ÐT Xin-ga-po phải toát mồ hôi để có được một tỷ số hòa ở trận đầu cũng khiến bất cứ ai phải suy nghĩ về sức mạnh của chính sách nhập tịch cầu thủ ồ ạt mà họ đang thực hiện.
ÐT Việt Nam đã gục ngã trước đội bóng ấy, trong một trận đấu mà chúng ta vẫn ào ạt tiến công từ phút đầu cho đến phút cuối. 'Duyên' ghi bàn lẳng lặng quay lưng, mà các cầu thủ không còn đủ sức bật, không có đủ sự lạnh lùng, không duy trì đủ độ tỉnh táo để xuyên thủng phòng tuyến áo trắng. Những mảng miếng tiến công ưu việt nhất của chúng ta đều đã bộc lộ hết trong trận đại thắng ÐT Mi-an-ma, và đã bị ÐT Phi-li-pin nhận diện kỹ lưỡng. Họ trầm tĩnh khóa chặt đường vào khung thành để chờ đợi cơ hội phản kích, và những cơ hội ấy đã tới, không phải một lần.
Có thể, nói như HLV Ca-li-xtô: 'ÐT Phi-li-pin chỉ vào sân với mục đích duy nhất là không để bị thủng lưới. Ðó không phải là bóng đá!', nhưng vấn đề cơ bản vẫn là: 'Chúng ta khống chế xấp xỉ 80% thời lượng bóng, tạo dựng được nhiều cơ hội, nhưng không thể có bàn thắng'. 'Nếu có bàn thắng, cục diện trận đấu sẽ khác', ai cũng biết điều đó. ÐT Phi-li-pin đã may mắn, nhưng 'may mắn không tự nhiên mà đến. Chúng tôi đã phải lao động cật lực' (HLV S.Mắc Mê-nê-my). Các tuyển thủ quốc gia Việt Nam cũng sẽ còn phải lao động cật lực sau bài học này.
theo nhandan.com.vn