Nhận xét của nhà khoa học đang công tác tại Nestlé Research, Lausanne, Thụy Sĩ có thể khiến nhiều phụ huynh giật mình vì chưa quan tâm đúng mức đến chế độ dinh dưỡng và năng lượng cho con khi trẻ bắt đầu đi học. Sau giai đoạn lúc nào cũng chỉ nghĩ đến bữa ăn, chiều cao cân nặng của con, lo lắng khi con ăn thiếu vài ml sữa hay vài muỗng cháo, nhiều cha mẹ có tâm lý thả lỏng khi con vào lớp một. Một phần do lúc này con đi học, cha mẹ dồn mối quan tâm sang việc tiếp thu kiến thức sách vở của con nên giảm chú trọng đến vấn đề dinh dưỡng và năng lượng của trẻ. Một phần, nhiều cha mẹ coi trẻ lúc này như một người lớn thu nhỏ: có nghĩa là trẻ có thể ăn uống chung với người lớn, có chế độ dinh dưỡng như bố mẹ.
Phụ huynh tập trung vào 1.000 ngày đầu đời và lơ là giai đoạn về sau, dẫn đến những bất cập về dinh dưỡng của trẻ trong lứa tuổi học đường: thừa cân béo phì hoặc suy dinh dưỡng. Theo Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng ở lứa tuổi học đường. Tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ ở tuổi học đường năm 2010 chỉ là 8,5% nhưng đã tăng lên 19% cho đến 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Bên cạnh đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ trong tuổi học đường hiện nay vẫn còn ở mức khá cao 14,8%.
Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực dinh dưỡng, bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam đã chứng kiến nhiều quan điểm sai lầm về dinh dưỡng của cha mẹ, khiến trẻ không có thể trạng tốt và khỏe mạnh trong độ tuổi đi học. Bà nhận thấy nhiều bậc phụ huynh có suy nghĩ rằng chỉ cần tập trung khi trẻ còn đang tuổi mẫu giáo, lúc này trẻ tăng trưởng nhanh, chưa trưởng thành và vẫn cần chăm sóc. Việc thực hành dinh dưỡng của trẻ lúc này đều phụ thuộc vào cha mẹ. Tuy nhiên khi trẻ vào lớp 1 thì nhiều cha mẹ đã nghĩ con có thể chủ động được rồi và buông lỏng, xem nhẹ vấn đề chăm sóc dinh dưỡng và năng lượng. Cũng có các bậc cha mẹ nghĩ rằng "có đầu có đuôi, nuôi lâu cũng lớn", trẻ rồi từ từ cũng lớn. Dù bây giờ có chậm lớn một chút thì khi vào tuổi dậy thì, trẻ sẽ lớn rất nhanh, đằng nào cũng sẽ cao, đằng nào cũng sẽ khỏe. "Đây là những nhận thức chưa được đúng đắn", bác sĩ Diệp nhận định. Xem nhẹ dinh dưỡng và năng lượng của trẻ ở tuổi học đường có thể dẫn đến hai hậu quả: hoặc trẻ thiếu cân, thấp còi, hoặc trẻ thừa cân béo phì.
Thực tế, "từ 5 đến 15 tuổi, trẻ trải qua sự chuyển hóa vượt bậc về cơ thể, để chuyển từ giai đoạn thơ ấu đến giai đoạn trưởng thành. Trẻ em trong giai đoạn vàng này không phải là người lớn thu nhỏ như nhầm tưởng của nhiều phụ huynh", tiến sĩ Laurence Donato-Capel trực thuộc Nestlé Thụy Sĩ chia sẻ. Đó cũng là động lực thúc đẩy các nhà khoa học Nestlé nghiên cứu sâu hơn về "10 năm phát triển vàng" nhằm giúp cha mẹ hiểu rõ tầm quan trọng của dinh dưỡng và năng lượng cho lứa tuổi học đường, như lời chia sẻ của người đại diện thương hiệu.
Các nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu Nestlé đã có một năm tìm tòi nghiên cứu khoảng 100.000 tài liệu khoa học. Tiến sĩ Francois Pierre Martin tiết lộ các bằng chứng khoa học chỉ ra rằng trè đang trải qua một sự thay đổi lớn đối với cơ thể, bộ não và hành vi trong 10 năm này. Những thay đổi này thực sự quan trọng để giúp trẻ đạt được tiềm năng tối đa của mình khi trưởng thành, cả khi là một cá thể độc lập hay là một thành viên đóng góp tích cực cho xã hội. Trong giai đoạn này, trẻ có thể phát triển tối đa các kỹ năng nhận thức, phát triển cơ xương, khả năng miễn dịch, não bộ... nếu được bổ sung đầy đủ năng lượng và dinh dưỡng kết hợp với các hoạt động thể lực đều đặn. Do nhu cầu và mức độ chuyển hóa năng lượng của trẻ cũng cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với người lớn nên việc không nạp đủ năng lượng và thiếu hụt dinh dưỡng giai đoạn này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển. "Với trẻ ở độ tuổi này, sự phát triển của vài chỉ số có thể quan sát được bằng mắt thường và nhận ra trẻ em sẽ lớn nhanh như thổi", tiến sĩ Martin nhận xét.
Trong 10 năm phát triển vàng, trẻ cần được bổ sung đầy đủ năng lượng và dinh dưỡng kết hợp với các hoạt động thể lực đều đặn
Bác sĩ Diệp cũng khẳng định, 5-15 tuổi được gọi là giai đoạn vàng vì: thứ nhất, trong khoảng thời gian này khối cơ của trẻ đạt mức tăng trưởng từ 40-60% khối cơ lúc trưởng thành. Thứ hai, mật độ xương của trẻ tích lũy nhanh gấp 4 lần so với giai đoạn trước và đạt được khoảng 60% mật độ xương lúc trưởng thành. Thứ ba, trong giai đoạn này trẻ có thể tăng từ 2,5 - 5 kg mỗi năm. Chiều cao tăng trung bình từ 5 - 10 cm mỗi năm. Nếu cha mẹ lơ là giai đoạn này thì có thể bỏ lỡ cơ hội "nhổ giò" từ 5 - 10 cm mỗi năm của con - một con số rất lớn.
Từ 5-6 tuổi, trẻ sẽ đạt 100% khối lượng não bộ của người trưởng thành. Trọng lượng não của một em bé 6 tuổi đã bằng với của người lớn. Những con số này cho thấy nếu không tập trung vào việc chăm sóc dinh dưỡng và năng lượng cho trẻ trong giai đoạn sau 5 tuổi thì sẽ bỏ lỡ cơ hội xây dựng nền tảng thể lực tốt.
Ngoài ra, hệ miễn dịch của trẻ sẽ phát triển rất nhanh trong giai đoạn từ 5-15 tuổi và tới 15 tuổi thì gần như toàn bộ các tế bào, các cơ quan liên quan đến hoạt động miễn dịch của cơ thể đã được hoàn thiện và cha mẹ sẽ không còn cơ hội để hoàn thiện về mặt vật chất cho các tuyến và tế bào liên quan đến miễn dịch và nội tiết.
5-15 tuổi là giai đoạn vàng để trẻ phát triển
Kim Anh