Theo ông Chung Tấn Phong – trưởng bộ môn thể thao dưới nước của Sở VH-TT TPHCM, Olympic Tokyo năm nay không thiếu chi tiết đáng chú ý, đặc biệt ở môn bơi lội. Thông qua những quan sát ban đầu, ông Chung Tấn Phong có vài nhận xét không chỉ hữu ích cho những kình ngư Việt Nam trên đường đua xanh.
Seto Daiya khiến người Nhật thất vọng.
1. Trong một đấu trường lớn như Olympic, một sai lầm nhỏ nhất cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Điển hình là VĐV Seto Daiya (Nhật Bản) - đương kim VĐTG ở cự ly 400m hỗn hợp nam với thành tích cao nhất trong năm 2021 là 4:09.02 - đã ngậm ngùi rời khỏi đợt chung kết, khi chỉ bơi chậm hơn thành tích cao nhất của anh chừng một giây rưỡi (4:10.52) ở đợt bơi vòng loại và xếp hạng 9 chung cuộc!
2. Các đợt bơi vòng loại Olympic lần này có thành tích khá cao, không ai dám khinh suất.
Đơn cử như trong đợt bơi vòng loại chiều 25/7, ở nội dung 100m ngửa nữ, có 3 VĐV của Úc, Mỹ và Canada phá kỷ lục Olympic! Hoặc ở nội dung 100m ếch nữ, VĐV bơi người Nam Phi cũng phá luôn kỷ lục Olympic.
Hafnaoui Ahmed đoạt HCV Olympic lúc 18 tuổi.
3. Với số lượng VĐV khá đông, một nội dung có thể phải bơi tới 3 lần (vòng loại, bán kết, chung kết) nên chiến thuật thi đấu, sức bền tâm lý và khả năng hồi phục của VĐV là vô cùng quan trọng.
4. Olympic dời lại 1 năm tạo cơ hội cho một số VĐV trẻ xuất sắc ghi tên mình vào lịch sử.
Chẳng hạn như VĐV 18 tuổi của Tunisia - Hafnaoui Ahmed (sinh ngày 4/12/2002). Nếu Olympic tổ chức vào năm 2020, Hafnaoui sẽ khó cạnh tranh HCV vì chỉ mới 17 tuổi, chưa đủ sức mạnh. Những bất ngờ thú vị như trường hợp của Hafnaoui còn xuất hiện trong những ngày sau.
5. Về kỹ thuật: Gần như tất cả VĐV bơi tự do đều thở một bên, ít thấy VĐV thở hai bên. Tuy nhiên, tần số động tác của họ vẫn khá cao và duy trì tốt nhịp điệu cả khi nghiêng đầu để thở. Họ chỉ nín thở để tăng tốc trong 5-10m cuối để về đích.
Tuyết Kỳ