Có một quyết định của bơi Việt Nam tưởng như bình thường song đã mang đến sự thay đổi mang tính lịch sử của môn này: đưa Ánh Viên sang Mỹ ăn tập dài hạn. Khi ấy Viên mới 15 tuổi đã đoạt ngay 1 HCB, 1 HCĐ ở kỳ SEA Games đầu tiên nhưng để đi Mỹ cực khó, nhất là kinh phí năm đầu tiên đã không dưới 100.000 USD/năm.
Số tiền tương ứng 2 tỷ đồng này thậm chí còn hơn cả tổng kinh phí môn bơi được cấp mỗi năm. Thật may khi vừa đề xuất lên đã được lãnh đạo đồng ý ngay với phương án đôi bên cùng hợp sức, ngành thể thao chi 60.000 USD, còn đơn vị chủ quản quân đội chi 40.000 USD.
Giải quyết được bài toán… "đầu tiên", Tổng thư ký Hiệp hội thể thao dưới nước Đinh Việt Hùng và HLV Đặng Anh Tuấn trực tiếp bay sang Mỹ để khảo sát, liên hệ địa điểm, chuyên gia, điều kiện ăn ở, sinh hoạt. Thậm chí, ông Tuấn còn nhờ cậy sẵn người thân bên đó để có thể mượn xe ô tô đưa học trò đi tập, cũng như có chỗ để nhờ cậy khi khó khăn.
Đầu 2012, hành trình sang Mỹ luyện tài của “ngọc thô” trước đó chỉ mấy năm còn ngụp lặn ở con kênh gần nhà đã khởi đầu với một chuyến bay nửa vòng trất đất khiến cô gái tuổi teen thực sự kiệt sức. Thời gian đầu quả là một thời gian đầy thử thách với thầy trò Viên khi còn quá lạ lẫm với mọi thứ, chưa kể còn có rắc rối do những quy định đặc thù của CLB St Augustine, đặc biệt là chuyện không cho HLV vào bể trực tiếp chỉ dẫn.
Tuy nhiên mọi khó khăn cũng qua nhanh, ngoài vai trò quan trọng của thầy Tuấn, còn nhờ vào một đặc điểm hơn người của tay bơi hãy còn rất trẻ này: chỉ tập, chẳng nói nhiều và không kêu ca. Viên bước vào một quy trình ăn và tập được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn Mỹ với mô hình của những Michael Phelps mà mới nhìn vào cả hai thầy trò đều sốc vì quá lạ.
Đầu tiên là chuyện HLV, cùng với thầy Tuấn, Viên còn được kèm cặp bởi hai chuyên gia ngoại hàng đầu, trong đó một phụ trách chuyên môn, một chuyên về thể lực. Cứ đúng giờ, họ có mặt tại bể bơi, thực hiện giáo án đúng đến từng chi tiết nhỏ để làm sao cô học trò đến từ Việt Nam luôn phải nỗ lực tới cùng.
Để có sức đột phá, Viên đã phải tập thể lực không khác gì một VĐV nhiều môn phối hợp, hết nâng tạ lại chạy đua trên máy. Khắc nghiệt nhất chính là bài tập bơi ngược dòng, theo đó trên một đường bơi chuyên dụng được máy đẩy nước chảy với tốc độ cực mạnh, tài năng trẻ đất Cần Thơ phải cố gắng bơi ngược cho bằng được. Có lần Viên còn bị dòng nước hất theo đập đầu đau đến chảy nước mắt.
Đối với Viên, ăn là một nhiệm vụ và cách tập. Chuyện về bữa ăn mới một cân thịt bò, 50 con tôm, một đĩa mì to, một đĩa rau trộn, một lít sữa tươi cũng chỉ là một phần trong thực đơn khổng lồ và phức tạp.
Đó là bữa chính trong ngày mà có đến nửa năm, Viên vừa ăn vừa nước mắt lưng tròng vì cực quá, hay phải ăn lại nghỉ rồi nghỉ lại ăn mất gần 2 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, còn có 3 bữa khác, trong đó có khi đang tập nhà bếp lại gọi Viên lên bờ để phục vụ bữa ăn đặc biệt là một nhúm thức ăn cùng thực phẩm thuốc chuyên biệt đắng đến mức chỉ ăn bằng cách… nuối thẳng.
Riêng việc luyện kỹ thuật bơi với Viên cũng vô cùng kỳ công, với những bài tập tưởng như đơn giản mà siêu khó. Với một chiếc cốc đầy nước đặt trên trán, Viên phải bơi ngửa làm sao để nó không đổ. Cũng phải qua tới nửa năm, kình ngư có chiều cao 1m73 mới có thể làm chủ để chiếc cốc chẳng hề rung rinh trên suốt đường bơi, có nghĩa là cơ thể, kỹ thuật bơi ngửa đã đạt tới độ chuẩn cao độ.
Vượt lên tất cả, chỉ sau chưa đầy 4 năm ăn tập trên đất Mỹ, Viên đã chạm tới lượng vận động đến 8.000 calo mỗi ngày, gắn với sự phát triển cơ bắp, thể lực và kỹ thuật hoàn chỉnh để có thể làm nên điều thần kỳ cho bơi Việt Nam tại các giải quốc tế.
Theo tinthethao.com.vn