|
Ngô Ngọc Minh (trái)
|
Ngô Ngọc Minh và bài toán về một nửa của mình
Kiện tướng Ngô Ngọc Minh sinh sống ở Tân Bình trong một gia đình không có ai theo nghiệp Cờ Tướng. Từ nhỏ anh đã rất yêu thích môn thể thao này, nhưng chỉ thực sự đào sâu nghiên cứu 15 năm trở lại đây. Năm 2009, anh đạt danh hiệu Kiện Tướng tại giải Vô địch quốc gia và 3 năm sau đó, năm 2012 tại giải các đấu thủ mạnh toàn quốc, anh đã thi đấu xuất sắc, là VĐV Bình Phước có thứ hạng cao nhất lúc bấy giờ trong bảng xếp hạng.
Nói về sở trường của mình, Ngô Ngọc Minh cho biết: “Quan điểm của mình: phòng thủ chính là tấn công, vì vậy, trong mỗi ván đấu, nếu bạn chọn cho mình lối chơi tấn công ngay từ đầu, có nghĩa bạn đã rất sẵn sàng cho một cuộc đấu nảy lửa. Tâm thế đó hoàn toàn khác khi bạn chọn phương án phòng thủ”.
Chia sẻ về những mục tiêu trong tương lai, Minh Ngọc không dấu những tham vọng khi muốn chinh phục nhiều danh hiệu cao hơn nữa tại sân chơi Cờ Tướng nước nhà. Muốn trở thành VĐV đội tuyển quốc gia được thi đấu, giao lưu học hỏi với các cao thủ trong khu vực, nhất là Trung Quốc.
Bên cạnh đó, kỳ thủ 39 tuổi này cũng khát khao có được một cô người yêu có chung sở thích Cờ Tướng. Với anh điều này không mấy dễ dàng dù môi trường tập luyện, thi đấu có rất nhiều kỳ thủ nữ. Nếu thi đấu mà đánh thắng họ thì tất nhiên họ không vui, còn nếu giả thua thì họ biết ngay. Xem ra bài toán về một nửa của mình, Ngô Minh Ngọc còn cần thêm nhiều thời gian để nghiên cứu.
|
Nguyễn Anh Hoàng
|
Nguyễn Anh Hoàng chơi Cờ để tăng cường trí nhớ
Là một trong những kỳ thủ lớn tuổi nhất của giải đấu Trạng Cờ Qúy Tỵ 2013, lão tướng Nguyễn Anh Hoàng đã có trên 30 năm chơi Cờ và giành không ít những danh hiệu cao quý tại các giải đấu lớn trong nước, trong đó phải kể đến hạng 4 tại giải Vô địch đồng đội toàn quốc năm 2009.
Hiện đang thi đấu dưới màu áo của tuyển Bình Dương, hàng ngày lão tướng Nguyễn Anh Hoàng dành trọn thời gian của mình cho việc luyện Cờ và nghiên cứu tài liệu. Những tài liệu mượn được từ bạn bè trong các chuyến du đấu nước ngoài, những cuốn tạp chí hay sách đã xuất bản hàng chục năm nay đều được anh cất giữ rất cẩn thận và thường xuyên nghiên cứu. Gặp những nước đi hay, anh đào sâu, xem xét kỹ lưỡng các biến và ghi chép lại rất cẩn thận. Với anh, đó là một trong những cách học Cờ rất bổ ích và hiệu quả.
Anh chia sẻ: Ở vào cái độ tuổi này của mình, việc rèn luyện Cờ rất có ý nghĩa. Những hoạt động giải trí có khả năng kích thích não vận động liên tục như chơi Cờ, đọc sách… có thể làm giảm nguy cơ mắc chứng mất trí, trong đó, luyện tập cơ thể lại không đem lại hiệu quả tương tự
Tại VCK 11 này, kỳ thủ đối đầu với anh chính là Ngô Ngọc Minh. Với sở trường đánh nhanh, anh nghĩ mình sẽ có nhiều cơ hội để giành chiến thắng.
|
Nguyễn Phúc Lợi
|
Nguyễn Phúc Lợi: Mơ ước trở thành VĐV chuyên nghiệp
Khi hay tin Nguyễn Phúc Lợi giành quyền tham dự Trạng Cờ Qúy Tỵ 2013, rất nhiều anh em đồng môn cùng sinh hoạt tại CLB Kỳ Hội Quán đã động viên, chúc mừng, thậm chí ủng hộ bằng tiền mặt để Phúc Lợi có thêm tinh thần, khí thế tham dự giải lần này.
Sinh năm 1982, trong một gia đình không có ai biết chơi Cờ Tướng, chàng trai Nguyễn Phúc Lợi đã đam mê môn thể thao trí tuệ này khi còn cắp sách tới trường.
Từng vô địch giải Cờ Tướng thành phố Huế năm 2012 và giành nhiều giải Nhất, Nhì ở cấp phong trào, song do điều kiện không cho phép, Nguyễn Phúc Lợi đã phải từ bỏ con đường đến với Cờ Tướng chuyên nghiệp. Hiện đang là công nhân của một nhà máy tại Đồng Nai, ngoài thời gian làm việc, Lợi vẫn thường xuyên lên mạng nghiên cứu về Cờ Tướng, đọc sách, thi đấu giao lưu với các kỳ thủ trong và ngoài nước. Mỗi ngày, Lợi dành hơn 2 tiếng cho việc này như một thú vui để quên đi những lo toan bộn bề trong cuộc sống, cũng như được thỏa mãn phần nào niềm đam mê của mình.
Mơ ước lớn nhất hiện nay của Nguyễn Phúc Lợi là được thi đấu Cờ Tướng như một VĐV chuyên nghiệp. Việc tham gia Trạng Cờ Qúy Tỵ biết đâu lại là cơ hội để Lợi lọt vào mắt xanh của những nhà truyển trạch Cờ Tướng Việt Nam. Và chính vì lẽ đó, hơn lúc nào hết, Lợi đang đầu tư rất lớn về chuyên môn cho trận đánh với Hoàng Văn Linh (Kỳ Siêu) vào ngày 25/08.
|
Hoàng Văn Linh (phải)
|
Hoàng Văn Linh: Đã trở lại và lợi hại hơn xưa
Cách đây 13 năm, cái tên Hoàng Văn Linh đã nổi lên trong làng Cờ Thủ đô với biệt danh là Linh “buzi”. Khi được hỏi về nguồn gốc của cái tên này, anh chỉ cười và nói không thể tiết lộ, vì nếu nói ra thì ai cũng cười anh. Chỉ biết là từ khi gia nhập làng Cờ Tướng, cái tên ấy ngày càng được nhiều người gọi.
Có thâm niên hơn 20 năm chơi cờ, từ năm 2002-2005, Linh liên tục khoác áo đội tuyển Bộ Công An thi đấu tại các giải A2 và A1 toàn quốc. Sau đó anh chuyển sang đầu quân cho Hà Nội. Bẵng đi một thời gian dài, vì chuyện mưu sinh mà Linh không theo đuổi thi đấu chuyên nghiệp, vắng mặt ở làng Cờ đỉnh cao trong mấy năm liền. Thời kỳ phong độ tốt nhất, Linh cũng đã đạt được danh hiệu Dự bị Kiện tướng.
Vượt qua nhiều kỳ thủ khác, Hoàng Văn Linh ghi tên vào VCK Trạng Cờ Qúy Tỵ 2013, đây được coi là sự trở lại ngoạn mục nhất của kỳ thủ không chuyên này. Tuy vẫn chưa hoàn toàn lấy lại phong độ ổn định, nhưng Hoàng Văn Linh vẫn xứng đáng được xem là thách thức khó chịu đối với mọi đối thủ trên kỳ đài hiện nay.
Xuân Nhi