Bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ của các ngành tỉnh, các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tích cực vận động nhân dân tự đóng góp xây dựng sân bãi phục vụ tập luyện, giao lưu thi đấu thể dục - thể thao. Hiện nay, hệ thống các giải thể thao truyền thống được hình thành và duy trì đều đặn hàng năm và dần trở thành nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống, tạo điều kiện để người dân giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc. Trong đó, các môn thể thao dân tộc, như: bóng đá, bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo... được quan tâm tổ chức.
Hàng năm, vào dịp kỷ niệm hay ngày lễ lớn của đất nước, dân tộc, các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tổ chức nhiều giải thể thao hay giao lưu thi đấu thể thao. Trong đó có các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian đều được quan tâm đưa vào chương trình thi đấu, thu hút người dân ở mọi lứa tuổi tham gia và cổ vũ, tạo không khí vui tươi, đoàn kết, nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho nhân dân. Tiêu biểu nhất là các hoạt động thi đấu thể dục - thể thao tại Ngày hội văn hóa - thể thao và du lịch đồng bào dân tộc thiểu số Chăm và Khmer được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp các địa phương luân phiên tổ chức hàng năm. Cùng với việc tổ chức giải thi đấu thể thao ở cơ sở, nhiều giải thể thao thành tích cao cũng được tổ chức. Nổi bật phải kể đến Đại hội thể dục - thể thao, Hội khỏe Phù Đổng thu hút rất đông vận động viên tham gia tranh tài. Trong đó, các môn thể thao dân tộc, như: đẩy gậy, kéo co… đã được đưa vào thi đấu không chỉ góp phần duy trì, phát triển các môn thể thao dân tộc mà còn giúp ngành thể thao tuyển chọn được các vận động viên có năng khiếu để đào tạo, bồi dưỡng đưa đi thi đấu tại các giải, hội thao trong khu vực và cả nước.
Nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer năm 2021, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp UBND huyện Tri Tôn tổ chức Giải bóng chuyền nam dân tộc thiểu số Khmer tỉnh An Giang năm 2021. Giải thu hút 6 đội tham gia, đến từ các huyện: Tịnh Biên, Châu Thành, Châu Phú và Tri Tôn. Trong đó, đơn vị chủ nhà Tri Tôn có 3 đội tham gia, gồm: Tri Tôn 1, Tri Tôn 2 và Ba Chúc. Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, hấp dẫn, đội Tịnh Biên xuất sắc đoạt hạng nhất; Tri Tôn 1 hạng nhì; Châu Thành và Tri Tôn 2 đồng hạng ba. Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Quản lý thể dục - thể thao (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) Đào Huỳnh Nhật Duy cho biết, giải đấu là dịp gặp gỡ, giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa đồng bào dân tộc thiểu số Khmer các nơi trong tỉnh. Qua đó, góp phần đưa phong trào thể dục - thể thao trong đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ngày càng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Thời gian tới, ngành thể thao tỉnh An Giang tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất, các thiết chế thể thao cho cơ sở. Đồng thời, thường xuyên tổ chức nhiều giải thi đấu thể thao và hội thao, với nhiều môn thể thao truyền thống và trò chơi dân gian, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị. Qua đó, tạo sân chơi lành mạnh, nâng cao sức khỏe người dân; góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh… ./.
Trung Hiếu