Từ năm lên 10, khi được phát hiện từ giải bơi học sinh Cần Thơ năm 2006, Ánh Viên đã bắt đầu đi theo con đường chuyên nghiệp đầy khắc nghiệt. Là vận động viên được đầu tư chuyên sâu đặc biệt, Ánh Viên phải hi sinh rất nhiều để theo đuổi ước mơ, đáp ứng lòng kỳ vọng của những người xung quanh.
Sau thành công rực rỡ tại SEA Games 2013, hỏi Ánh Viên về tuổi thơ, cô gái sinh năm 1996 khá bẽn lẽn: “Tôi chỉ nhớ hồi nhỏ ông tập cho bơi ở con rạch sau nhà. Thời gian sau đó thì tôi chỉ biết làm bạn với làn nước, các chuyến tập huấn liên tục, vượt qua những tiêu chuẩn dinh dưỡng khắc nghiệt. Công việc của tôi là quanh năm tập luyện.”
Tính từ năm 2012 đến nay, Ánh Viên chỉ gặp bố mẹ vài lần mà lại ở TP.HCM chứ không phải tại nhà ở xã Gia Xuân, Phong Điền, Cần Thơ. Chuyến tập huấn ở Mỹ rồi hàng loạt giải đấu liên tục cuốn Ánh Viên đi mà không có thời gian ngừng lại. Trước SEA Games 2013, Viên ghé TP.HCM và có một buổi gặp bố mẹ ở sân bay rồi qua Myanmar. Kết thúc SEA Games 2013, cô chỉ ở TP.HCM mấy ngày lại đi tập huấn ở Mỹ dài hạn. Tham dự một số giải đấu như Asiad 2014 xong Viên lại qua Mỹ. Sát ngày tới SEA Games, Viên mới từ Mỹ về Singapore để dự SEA Games.
Chính vì sợ buồn khi con xa nhà biền biệt, ban đầu bố mẹ Ánh Viên không muốn con theo nghiệp bơi lội. Nhưng vì các thầy khuyên Viên có những phẩm chất đặc biệt để theo nghề như sải tay dài (1m93), bàn chân to, khả năng nổi nước hơn người thường và quá yêu bơi lội, bố mẹ Viên đành đồng ý để con gái xa nhà khi mới 10 tuổi.
Viên đã có bốn cái tết xa nhà liên tiếp để toàn tâm toàn ý chinh phục đường đua xanh. Điện thoại chính là chiếc cầu nối thường xuyên nhất, có thể là hàng tuần, giữa siêu kình ngư với gia đình. Hàng tuần hay trước giải đấu quan trọng không về được, Ánh Viên gọi điện về cho gia đình để chia sẻ và nghe những lời động viên từ bố mẹ, đặc biệt là ông nội - người thầy đầu tiên, năm nay đã hơn 70 tuổi.
Ánh Viên được cả làng thế thao khu vực nể phục gọi là “cô gái thép” và dự báo sẽ là VĐV tỏa sáng rực rỡ ở SEA Games này. Tuy nhiên, Viên lại rất lạ lẫm với hầu hết những thú vui đang là thời thượng như sở hữu điện thoại đắt tiền, tham gia cộng đồng Facebook. Viên đứng ngoài hoàn toàn những thứ này khi không có điện thoại riêng, không biết “mô tê” gì về mạng xã hội hay những hình thức tương tự, không dùng email… Phương tiện cá nhân thì cô chỉ biết đi xe đạp, chưa biết đi xe máy.
HLV Đặng Anh Tuấn của Ánh Viên muốn cô tập trung tối đa cho công việc và không phân tâm vào những chuyện khác. Viên từng giải thích thêm, vì mải tập trung sự nghiệp mà không quan tâm điều gì khác nên “thấy cũng bình thường”. Thu nhập hàng tháng với lương của một thượng úy cùng các khoản khác dành cho VĐV đặc biệt, hay phần thưởng hàng trăm triệu sau mỗi giải đấu cô đều gửi về gia đình để bố mẹ “giữ dùm và lo toan cuộc sống”.
Hi sinh tuổi thơ, hi sinh những thú vui cá nhân, Ánh Viên từ một “rái cá nhỏ” ở vùng sông nước Cần Thơ vươn ra khu vực và đang đặt mục tiêu chinh phục Olympic ở nội dung sở trường 400m hỗn hợp nữ và một số nội dung khác. Tại Asiad 2014, Viên đã làm nên lịch sử cho bơi lội Việt Nam ở sân chơi châu Á khi giành HC đồng ở nội dung 400m hỗn hợp với thành tích 4 phút 39 giây 65. Đây là bước đệm quan trọng để Viên tự tin chinh phục từ 4-6 tấm HCV ở SEA Games 28, và quan trọng hơn là hoàn thiện bản thân để chinh phục Olympic 2016.
Sáng nay 6/6, Ánh Viên ra quân ở vòng loại 400m cá nhân hỗn hợp và lập tức có kỷ lục SEA Games mới. Với thành tích 4 phút 43 giây 93, Viên phá sâu kỷ lục chính cô lập nên với 4 phút 46 giây 16 ở Nay Pyi Taw, Myanmar năm 2013. Tối nay, 6/6, Ánh Viên bước vào đợt thi chung kết.
Tại Myanmar 2013, Ánh Viên giành ba HC vàng, hai HC bạc, một HC đồng, phá hai kỷ lục đại hội ở cự ly 200m ngửa và 400m hỗn hợp. Trên đất Singapore 2015 chị đăng ký tham dự 19 nội dung với mục tiêu giành 4-6 HCV.
Theo tinthethao.com.vn