Xin bà cho biết các đội tuyển dự Asian Para Games lần thứ X đã có sự chuẩn bị như thế nào?
Tham dự Đại hội thể thao Người khuyết tật lần thứ X là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong năm 2010 của thể thao Người khuyết tật Việt Nam. Để chuẩn bị cho sự kiện này, ngay từ đầu năm, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục TDTT, Hiệp hội thể thao Paralympic Việt Nam đã phối hợp cùng với Vụ TDTT quần chúng xây dựng kế hoạch chuẩn bị về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cũng như chuyên môn cho việc tham gia Đại hội.
Theo đó, các VĐV chủ yếu tập huấn tại địa phương và trước khi lên đường tham dự Asian Para Games X, 57 VĐV của 6 môn thể thao gồm: Điền kinh, Bơi, Bóng bàn, Cầu lông, Cử tạ và Judo đã được triệu tập tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội trong khoảng thời gian một tháng. Tại đây, các VĐV được quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất về chỗ ở, được chăm sóc về chế độ dinh dưỡng, thuốc men và các trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho việc tập luyện. Có thể nói đến thời điểm này, đoàn thể thao Người khuyết tật Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ cả về thể lực, kỹ chiến thuật và sẵn sàng bước vào thi đấu. Điều quan trọng hơn đó là các VĐV đều có tâm lý rất thoải mái trước giờ lên đường và chúng tôi đánh giá cao điều này ở các em.
Những khó khăn mà đoàn thể thao NKT Việt Nam gặp phải trong quá trình chuẩn bị tham dự Đại hội là gì thưa bà?
Trong bối cảnh hiện nay, việc thúc đẩy phong trào tập luyện thể thao trong Người khuyết tật gặp không ít khó khăn nên công tác tuyển chọn các VĐV khuyết tật cũng gặp không ít vất vả. Hơn nữa, do những lý do khách quan lẫn chủ quan và đặc biệt là về kinh phí nên công tác đào tạo, bồi dưỡng các em có tài năng cũng bị hạn chế rất nhiều. Khó khăn lớn nhất đó là thời gian tập huấn ít mà hàng năm, số giải thể thao dành cho VĐV Người khuyết tật cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là do các em tự nỗ lực tập luyện tại địa phương. Đơn cử như năm 2010, Hội thi thể thao văn nghệ Người khuyết tật là dịp duy nhất để các nhà chuyên môn kiểm tra lại trình độ của các VĐV. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn thách thức đó, mỗi thành viên trong đoàn thể thao Người khuyết tật Việt Nam luôn nỗ lực hết mình với mong muốn được hoà nhập với cộng đồng, được đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho sự phát triển của nền thể thao nước nhà, trong đó có thể thao Người khuyết tật.
Tại Đại hội này, đoàn Thể thao NKT Việt Nam hy vọng giành huy chương ở những môn thể thao nào? Bà có thể cho biết mục tiêu cụ thể?
Như chúng ta đã biết, Đại hội thể thao Người khuyết tật Châu Á lần thứ X có sự tham dự của trên 3000 VĐV của trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, các VĐV tranh tài ở 19 môn thể thao. Đoàn thể thao Người khuyết tật Việt Nam chỉ tham dự 6 môn và đây được coi là những môn thế mạnh bởi các VĐV ở những môn này đã từng giành được thành tích cao ở các kỳ Đại hội trước. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng nhiều nhất ở 2 môn: Điền kinh và Bơi, trong đó những gương mặt như: Võ Huỳnh Anh Khoa, Võ Thanh Tùng, Đặng Văn Công, Nguyễn Thị Sa Ri (Bơi), Nguyễn Thị Hải, Trịnh Công Luận, Võ Thị Thu Thuận, Đào Văn Cường (Điền kinh) hứa hẹn sẽ mang về nhiều thành tích cao cho đoàn thể thao Người khuyết tật Việt Nam.
Cũng giống như các kỳ Đại hội Châu lục hay khu vực, các hoạt động thể thao dành cho Người khuyết tật thường không đặt nặng vấn đề thành tích, mà quan trọng hơn đó là tinh thần nhân văn, thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đối với những người không may mắn. Đến với Đại hội thể thao Người khuyết tật Châu Á lần thứ X, đoàn thể thao Người khuyết tật Việt Nam quyết tâm phấn đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của tổ quốc.
Với khẩu hiệu "chúng tôi cổ vũ, chúng tôi chia sẻ và chúng tôi chiến thắng" đoàn thể thao Người khuyết tật Việt Nam sẽ thi đấu với tinh thần đoàn kết, giao lưu và hoà nhập với bạn bè thế giới. Đây cũng chính là mục tiêu cao nhất để mỗi thành viên trong đoàn hướng tới.
HKT