Sau những biến đổi về cơ cấu quản lý hành chính nhà nước, ngày 6/11/1996, tỉnh Hà Bắc được chia thành hai tỉnh là Bắc Ninh và Bắc Giang. Tỉnh Bắc Giang chính thức đi vào hoạt động theo đơn vị hành chính mới từ ngày 1/1/1997. Sau gần 10 năm thành lập, mảnh đất vốn được ví như "phên dậu", là một trong tứ trấn trọng yếu của đất nước đã ngày càng "thay da đổi thịt". Cùng với sự phát triển của nhiều Bộ, ngành, Thể thao Bắc Giang đã vững bước đi lên từ những khó khăn và đạt được nhiều thành tích đáng biểu dương. Nhân chuyến làm việc tại tỉnh, tôi đã có dịp tìm hiểu về công tác huấn luyện VĐV của Trung tâm HLTT, cũng như công tác chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc của các đội tuyển ở Bắc Giang.
Tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần này, Sở TDTT Bắc Giang sẽ cử một đoàn VĐV với số lượng lớn (khoảng 85 VĐV), tham gia tranh tài tại 9 môn trong tổng số 42 môn thi đấu, bao gồm: Vật (Vật dân tộc, Vật tự do), Đá cầu, Cầu lông, Võ, Cờ vua, Cầu mây, Điền kinh, Đẩy gậy và Bóng rổ. Đây đều là những môn thế mạnh của Bắc Giang và đều có khả năng giành huy chương tại Đại hội.
Tại Đại hội lần này, Bắc Giang phấn đấu đạt từ 20 đến 25 huy chương các loại, trong đó có từ 4 đến 5 HCV, xếp hạng trung bình trong toàn quốc, hiện nay ngoài những môn đã thi đấu là Vật, Võ và một nội dung của môn Đá cầu (đồng đội), VĐV của các đội tuyển đang ráo riết tập luyện ngay tại Trung tâm HLTT Tỉnh với thời gian biểu gần như kín tuần. Tinh thần tập luyện của các VĐV được đánh giá cao và tất cả đều được hưởng chế độ là 35.000đ/ngày.
Để thực hiện mục tiêu đặt ra, tập thể cán bộ Sở đã không quản ngại khó khăn, đồng lòng, chung sức hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Sở TDTT Bắc Giang đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, ưu ái của các cấp Uỷ, Đảng, chính quyền địa phương, cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành trong tỉnh. Từ tháng 2 đến tháng 10/2005, Sở TDTT Bắc Giang đã tổ chức thành công 13 giải tại Đại hội TDTT cấp tỉnh, thu hút sự quan tâm đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân. Theo bảng tổng hợp kết quả Đại hội của Tỉnh, Tp. Bắc Giang là đơn vị dẫn đầu với thành tích 17 HCV, tiếp đến là Tân Yên (16 HCV) và Yên Thế (14 HCV).
Năm 2005, còn là năm đánh dấu sự thành công của Thể thao Bắc Giang khi tham dự 26 giải toàn quốc (trong đó có 10 giải Vô địch quốc gia) và giành được 39 huy chương các loại (9 HCV, 13 HCB và 17 HCĐ). Có thể coi đây là hành trang quý giá của Thể thao Bắc Giang trước thềm Đại hội TDTT toàn quốc.
Tuy nhiên, vốn là một tỉnh miền núi, thuần nông nên đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn do đó nhận thức của người dân về công tác TDTT còn hạn chế. Phong trào TDTT chưa phát triển đồng đều, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.
Trong khi đó, vấn đề về cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện, thi đấu cũng trở thành nỗi trăn trở cho các nhà lãnh đạo, những người tâm huyết tới Thể thao Tỉnh nhà. Nơi ăn, chốn ở cho VĐV còn thiếu thốn, sân bãi dụng cụ không đủ tiêu chuẩn... Vấn đề nguồn lực, con người cũng tạo nên những khó khăn nhất định, đội ngũ huấn luyện viên trình độ cao còn hạn chế, các hướng dẫn viên chuyên trách còn thiếu và yếu...
Tâm sự với chúng tôi, ông Bùi Ngọc Anh, Phó giám đốc Trung tâm HLTT Bắc Giang đã bày tỏ: Theo tôi, để cải thiện vị trí của Thể thao Bắc Giang tại Đại hội TDTT toàn quốc cũng như để đóng góp thêm nhiều VĐV ưu tú cho thể thao nước nhà thì đặc biệt phải đổi mới công tác đào tạo theo phương châm đầu tư cao cho các VĐV, các môn thể thao có khả năng giành thành tích cao tại các giải Vô địch quốc gia. Đồng thời Sở TDTT phối hợp với Trung tâm HLTT tiếp tục rà soát lại lực lượng VĐV ở các môn trọng yếu để có kế hoạch tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho các VĐV.
Mong rằng, trước những khó khăn của Thể thao Bắc Giang, các cấp lãnh đạo sẽ quan tâm, tìm hướng tháo gỡ tạo tiền đề cho Thể thao Bắc Giang ngày càng phát triển vững mạnh, giành được nhiều thành tích cao trong công tác huấn luyện VĐV tuyến cơ sở, bổ xung lực lượng cho đội tuyển quốc gia tham dự các giải đấu lớn trong nước và quốc tế.
NTH