|
Người dân đứng chật hai bên bờ sông xem Đua ghe ngo (Ảnh: DT) |
Với một chuỗi các hoạt động như: Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ lần thứ nhất; Hội thi trình diễn trang phục 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa; Triển lãm ảnh “Ký ức Sóc Trăng”; Hội thao dân tộc; Liên hoan ẩm thực 3 dân tộc; Hội chợ thương mại và triển lãm... ; Hội thi Lôi Prôtip (thả đèn nước); Phục dựng Lễ cúng trăng truyền thống của đồng bào Khmer. .. Festival là một sự kiện có quy mô lớn, số lượng khách tham quan và tham gia lên đến trên 500.000 người(đông nhất từ trước đến nay).
Tâm điểm của Festival lần này là giải Đua ghe ngo. 62 đội đua (12 đội nữ) của các tỉnh ĐBSCL tham dự với 106 lượt trận thi đấu đã mang đến cho du khách ấn tượng khó quên. Trong suốt thời gian diễn ra cuộc đua, hàng vạn khán giả đứng chật ních hai bên bờ sông chiêm ngưỡng và cổ vũ nồng nhiệt.
Với đua ghe ngo nam, sau 83 trận đấu, đội ghe ngo Càng Long (Trà Vinh) đã xuất sắc giành giải nhất; đội ghe Pong Tứs Chắc (huyện Thạnh Trị- Sóc Trăng) giành hạng nhì; đội ghe Nha Si cũ (Kiên Giang) hạng ba và đội ghe Pôthi Prức (huyện Trần Đề- Sóc Trăng) hạng tư.
Ở giải Đua ghe ngo của nữ, chức vô địch thuộc về đội ghe chùa Ngan Dừa (Bạc Liêu), thứ hai là đội ghe chùa Kỳ Sơn (Vĩnh Long). Ghe Ngo chùa Lương Nghĩa (Hậu Giang) giành thứ 3 và đội ghe Ngo chùa Kostung (Sóc Trăng) về thứ 4.
Đội giành chức Vô địch nam, nữ được nhận số tiền thưởng là 200 triệu đồng; đội á quân được thưởng 150 triệu đồng. Đội xếp hạng Ba và Tư được thưởng các mức lần lượt 100 triệu đồng, 50 triệu đồng. Ngoài giải thưởng chính, qua mỗi vòng chiến thắng, các ghe còn được các nhà tài trợ trao thưởng rất cao để khuyến khích động viên tinh thần toàn đội.
Phát biểu tại lễ Bế mạc Festival, ông Mai Khương, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng, Trưởng Ban tổ chức Festival cho rằng: Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất - Sóc Trăng 2013 được coi là thành công về công tác tổ chức. Festival cũng là môi trường để tuyên truyền chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, quảng bá hình ảnh đất nước con người, vùng đất Sóc Trăng. Đồng thời, hoạt động này cũng phần nào thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến đời sống, văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và đồng bào Khmer Nam bộ nói chung.
T.P