Có phải cây lá đắng chữa được bệnh đau vai gáy? Cây lá đắng thuộc họ nhân sâm, tên khác là cây chân chim, lá lằng, sâm nam. Cây mọc hoang ở ven rừng, đồi núi, có nhiều từ Bắc vào Nam.
Nhân dân ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An sử dụng lá đắng như một loại gia vị cho vào canh. Canh lá đắng ăn mát, giải nhiệt, kích thích tiêu hóa, nhuận gan.
Ở những địa phương khác, người ta lại dùng vỏ cây lá đắng làm thuốc với tên gọi là ngũ gia bì chân chim (vì có tác dụng bổ dưỡng, mạnh gân xương như cây ngũ gia bì). Vỏ thân lá đắng được thu hái vào mùa xuân thu, đem về cạo sạch lớp vỏ ngoài, phơi hoặc sấy khô. Đó là những mảnh vỏ hơi cong, màu nâu nhạt, chất giòn nhẹ.
Lá đắng
Khi dùng làm ẩm dược liệu rồi ủ cho đến khi có mùi thơm (khoảng 7 ngày) cắt thành miếng nhỏ, để sống hoặc tẩm rượu hay nước gừng, sao qua. Theo kinh nghiệm dân gian, vỏ cây lá đắng được dùng chữa suy nhược, thấp khớp, lưng gối đau mỏi, đàn ông dương sự kém, đàn bà âm suy, trẻ em chậm lớn, chậm biết đi. Dược liệu có vị đắng, chát, mùi thơm nhẹ, tính mát, được dùng trong những trường hợp sau:
Chữa cước khí chân sưng đau
Vỏ lá đắng, lõi cây thông, hạt cau, hương phụ, hạt tía tô, chỉ xác, ké đầu ngựa, mỗi thứ 8-16g. Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml uống 2 lần trong ngày.
Chữa tê thấp đau mỏi
Vỏ cây lá đắng 2kg, vỏ cây gạo, dây đau xương, thân cây bọt ếch, mỗi thứ 1kg. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, nấu với nước, lấy 200ml cao lỏng. Hòa 200ml rượu và 100ml sirô vào cao để được nửa lít thành phẩm. Ngày uống 50ml, chia 2 lần
Chữa suy nhược thần kinh, viêm đa khớp dạng thấp, đau dây thần kinh, đau lưng, đau vai gáy: Bột mịn vỏ lá đắng 0,035g, cao vỏ lá đắng 0,005g, cao đặc hy thiêm 0,03g, bột mịn mã tiền chế 0,013g cho một viên. Liều tối đa an toàn 1 lần là 30 viên và một ngày 80 viên.
Dùng ngoài
Vỏ hoặc lá đắng 30g, phối hợp với lá dâu tằm 30g, lá mía tía 20g, củ nghệ đen 20g. Tất cả để tươi, rửa sạch, giã nát, tẩm rượu 30 độ cho xâm xấp, xào nóng, đắp băng và cố định bằng nẹp tre, chữa gãy xương.
Theo artrex.vn