Nhằm đạt thành tích tốt nhất tại SEA Games 24, các môn thể thao đã có sự chuẩn bị lực lượng trong một quá trình dài, Billiards - Snooker cũng không phải là ngoại lệ. Trong kế hoạch chuẩn bị lực lượng tham dự SEA Games 24 của Uỷ ban TDTT, Billiards - Snooker đã đề ra mục tiêu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tấm HCV đạt được tại SEA Games 23 và khả năng hoàn thành nhiệm vụ đó là rất lớn, thậm chí còn có thể vượt chỉ tiêu đề ra.
Quá trình chuẩn bị lực lượng
Ngay từ những ngày đầu năm 2007, đội dự tuyển Billiards -Snooker được tập trung và bắt đầu chu kỳ huấn luyện. Trong thành phần dự tuyển gồm hầu hết các tuyển thủ đã đạt thành tích tại các kỳ SEA Games trước. Đặc biệt, cuối năm 2006, VĐV Dương Anh Vũ đã làm nên tên tuổi Billiards - Snooker Việt Nam tại đấu trường Châu Á khi anh giành tấm HCB nội dung carom 3 băng.
Tại kỳ SEA Games 23 - Philippines, 2 tuyển thủ của Việt Nam là Nguyễn Thanh Bình và Lê Phước Lợi lần lượt đã giành HCV và HCB nội dung Carom 1 băng. Đây cũng là nội dung thế mạnh của đội tuyển Billiards Việt Nam. Do vậy, mục tiêu bảo vệ HCV của Bililards - Snooker Việt Nam được đặt ở nội dung này là hoàn toàn có cơ sở và nhiều khả năng thành công.
Bên cạnh đó, đội dự tuyển của chúng ta còn có sự góp mặt của các nhà vô địch và những VĐV đạt thành tích tại SEA Games 22 như: Lý Thế Vinh - HCV nội dung carom 3 băng, Trương Văn Anh - VDV nội dung carom 1 băng, Đặng Đình Tiền - HCB nội dung carom 1 băng và nhiều VĐV khác có thành tích cao tại giải vô địch quốc gia năm 2006.
Tập dượt qua các giải đấu trong nước và quốc tế
Chuẩn bị cho lực lượng tham dự SEA Games 24, BHL sẽ chính thức lựa chọn những VĐV xuất sắc ở từng nội dung sau khi kết thúc vòng chung kết vô địch quốc gia tại Hải Phòng.
Ngoài giải đấu trên, các VĐV trong đội dự tuyển còn được tham dự một số giải đấu chính thức trong nước: vòng I Vô địch quốc gia tổ chức tại Vũng Tàu (3/2007), vòng chung kết Vô địch quốc gia tại Hải Phòng dự kiến tổ chức vào tháng 6/2007, giải Cây cơ xuất sắc tại Cần Thơ vào tháng 9/2007. Ngoài ra, các VĐV còn tham dự thi đấu một số giải quốc tế: giải Vô địch thế giới đồng đội carom 3 băng tại Viersen - Đức vào tháng 3/2007, vô địch thế giới carom 3 băng tại Cuena - Ecuado, Indoor Games 2 tại Macao cùng diễn ra vào tháng 11/2007. Qua đó, các giải đấu sẽ là cơ hội để các VĐV tập dượt, đồng thời là dịp đánh giá chất lượng huấn luyện cũng như nhận diện đối thủ trước thềm SEA Games 24.
Nhận diện đối thủ
SEA Games 24 sẽ có 10 nội dung thi đấu. Ở nội dung Snooker (3 bộ huy chương: đơn, đôi, đồng đội), khả năng tranh chấp của đội tuyển Việt Nam sẽ rất khó khăn bởi đó không phải là thế mạnh của Billiards Việt Nam nhưng đó lại là thế mạnh của các nước như: Thái Lan, Malaysia, Singapore.
Mặc dù đội tuyển Việt Nam đang giữ HCV đơn nam nội dung English nhưng theo đánh giá của các nhà chuyên môn, nhiệm vụ bảo vệ thành tích này không hề đơn giản. Ở SEA Games 23, chỉ có 3 đối thủ mạnh ở nội dung này là Thái Lan, Myanmar và Indonesia nhưng hiện nay Singapore cũng là một địch thủ đáng gờm (khi họ sở hữu VĐV người Anh mới nhập quốc tịch, VĐV này đã từng đứng thứ 2 thế giới năm 2000). Tại SEA Games 24, các VĐV sẽ tranh tài 3 bộ huy chương ở nội dung đơn, đôi, đồng đội.
Dự kiến sẽ có 6 nước tranh chấp 3 bộ huy chương ở nội dung Pool 8 bi và 9 bi (2 bộ huy chương 9 bi nội dung đơn nam và nữ, 1 bộ huy chương 8 bi của đơn nam) tại SEA Games này, gồm: Philippines, Indonesia, Singgapore, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, Phlippines được đánh giá cao hơn với những cơ thủ nổi tiếng và hiện đang có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Billiards Châu Á và Thế giới.
Với thế mạnh ở nội dung Carom 1 băng, Billiards Việt Nam đặt chỉ tiêu bảo vệ tấm HCV ở nội dung này (đây cũng là bộ huy chương duy nhất ở nội dung đơn nam). Để đạt được mục tiêu đó, đội tuyển Việt Nam sẽ phải chiến thắng 2 nước có thế mạnh ở nội dung này, đó là: Indonesia và Phliippines.
HX