SEA Games 22, Bóng bàn Việt Nam thực sự thăng hoa với tấm HCV đơn nam của tay vợt Trần Tuấn Quỳnh, 2 năm sau (SEA Games 23 - Philippines), BBVN chỉ giành được tấm HCB đồng đội và hiện nay một thực tế không thể phủ nhận được đó là thành tích của BBVN ngày càng bị đe doạ cũng như khoảng trống khó có thể lấp đầy về trình độ giữa các VĐV Việt Nam so với các nước trong khu vực. Điều đó, khiến NHM có thể dễ dàng nhận thấy những thay đổi đang diễn ra trên cục diện bản đồ Bóng bàn khu vực ĐNA.
Đó phải chăng là nguyên nhân lý giải cho việc, Bóng bàn Việt Nam chỉ đặt mục tiêu giành 1 HCB và 1 HCĐ tại SEA Games 24, thậm chí ngay đến cả nước chủ nhà Thái Lan cũng không dám mơ Vàng ở môn này. Bởi lẽ, làn sóng ngoại nhập cầu thủ đã ngày càng trở nên mạnh mẽ và ăn sâu vào những quốc gia có nền kinh tế mạnh. Việc nhập khẩu các VĐV có thứ hạng thế giới về "đầu quân", nhằm giành huy chương tại Đại hội thể thao lớn nhất khu vực đã trở thành "trào lưu" của nhiều quốc gia có tiềm lực, tiêu biểu như: Singapore, Maylaysia, Thái Lan, Indonesia...
Trong bối cảnh ấy, thể thao Việt Nam nói chung và Bóng bàn nói riêng vẫn đang gặp phải những khó khăn từ nhiều phía. Việc tập luyện trong hoàn cảnh cơ sở vật chất thiếu thốn, đã cũ, cộng với kinh phí dành cho tập huấn thi đấu nước ngoài không nhiều là một trong những nguyên nhân chính, hạn chế tốc độ phát triển của Bóng bàn Việt Nam.
Đã vậy, lực lượng VĐV Bóng bàn Việt Nam vốn đã mỏng nay lại càng mỏng hơn, số lượng các tay vợt (ở cả nam và nữ) có thể cạnh tranh huy chương trong khu vực cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đặc biệt, khoảng cách về trình độ của các VĐV Việt Nam vẫn còn khá xa với các nước trong khu vực và để có thể rút ngắn được khoảng cách ấy phải mất rất nhiều thời gian, kết hợp với các giải pháp đồng bộ, tác động từ trung ương đến địa phương.
Theo bảng xếp hạng mới nhất mà Liên đoàn Bóng bàn thế giới vừa công bố, các tay vợt nam và nữ hàng đầu ĐNA đều thuộc về đảo quốc sư tử Singapore, như: Li Jia Wei (hạng 6), Wang Yue Gu (hạng 8), Sun Bei Bei (hạng 16) - nữ; Gao Ninh (hạng 11), Yangzi (hạng 38) - nam. Còn những niềm hy vọng của Bóng bàn Việt Nam: Tuấn Quỳnh, Kiến Quốc, Nam Hải đều khiêm tốn nằm trong tốp từ 200 đến 300. Vì vậy, mục tiêu mà Ban huấn luyện đội tuyển Bóng bàn đặt ra là hoàn toàn hợp lý, vừa sức và có cơ sở.
Còn nói về cơ hội tham dự Olympic Bắc Kinh 2008 của Bóng bàn Việt Nam thì hy vọng rất mong manh. Bởi không giống như các môn thể thao khác, SEA Games 24 chính là một giải đấu để các tay vợt tích điểm tới Olympic. Cho dù, các VĐV đó có lọt vào tốp 10 thế giới đi chăng nữa, cũng bắt buộc phải vượt qua “cửa” SEA Games mới hội đủ điều kiện dự vòng đấu tuyển chọn này và ĐNA chỉ được 1 suất. Vì vậy, những tay vợt của Singapore được đánh giá có nhiều khả năng nhất tham dự Olympic 2008.
Được biết sau khi tập huấn ở Trung Quốc trở về, các tay vợt của chúng ta sẽ có cơ hội được thi đấu cọ xát tại giải Bóng bàn Cúp Châu Á (dự kiến sẽ diễn ra tại Cung thể thao Tổng hợp quần ngựa trong tháng 11 này). Đây sẽ là cơ hội tốt để các VĐV Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 24.
Thiên Hà