Đội nam bóng bàn VN vừa giành 2 HCV tại Giải vô địch Đông Nam Á 2004. Cùng những thành công từ đầu năm đến nay, có thể nói các tay vợt nam VN hiện không có đối thủ trong khu vực Đông Nam Á.
Kể từ SEA Games 1995, khi Vũ Mạnh Cường lần đầu đăng quang đến nay, các cây vợt nam bóng bàn VN nhiều lần đăng quang trong các giải đấu lớn: HCV đồng đội nam ở giải Đông Nam Á lần đầu năm 1998 tại Bangkok, Mạnh Cường vô địch đơn nam ở SEA Games 21, Tuấn Quỳnh vô địch Đông Nam Á lần 3 tại Indonesia. Lần này, bóng bàn VN đã giành đến 2 HCV đồng đội nam và đôi nam của Tuấn Quỳnh - Nam Hải. Thành tích này vượt quá mong đợi và chính thức đưa bóng bàn VN lên ngôi vị số một Đông Nam Á.
Để có được thành công này, trước hết do bóng bàn VN lần đầu tiên có được 3 cây vợt trình độ đồng đều và ổn định. Đây là yếu tố rất quan trọng cho phép HLV Nguyễn Đình Phiên và Vũ Mạnh Cường có thể hoán chuyển, sắp xếp đội hình chiến thuật thích ứng với từng đối thủ mà không làm giảm đi sức mạnh chung. Như trận bán kết thắng Thái Lan 3-0, Nguyễn Nam Hải được xếp đánh tiên phong thắng Sekpong Yornjida, sau đó Đoàn Kiến Quốc đánh chủ lực thắng Sithichoc Vipawatanakul và Trần Tuấn Quỳnh đánh số 3 thắng tiếp Torpoomt Hoogsingthop. Đến trận chung kết thắng Indonesia cũng với tỷ số 3-0, Quốc lại đi tiên phong thắng Muhamad Hussin, Tuấn Quỳnh đi chủ lực thắng Reno Handoyo và Nam Hải đánh thứ 3 thắng Yori Madiyono. Cũng có lúc Nam Hải hay Tuấn Quỳnh còn có một ván thua không đáng nhưng họ đã kịp chấn chỉnh. Các trận thắng này đều giành được không quá khó, cho thấy trình độ các tay vợt đồng đều và vượt trội so với đối thủ.
Lý do thứ 2 là trong năm nay, các tay vợt VN đều tiến bộ toàn diện trong kỹ - chiến thuật, nhất là những quả giật, đôi công, mạnh hơn về thể lực và đặc biệt là bản lĩnh thi đấu. Điều đó thể hiện qua việc Kiến Quốc giành vé (duy nhất tại Đông Nam Á) dự Olympic Athens, Tuấn Quỳnh và Nam Hải từng đứng đầu bảng đấu loại. Nguyên nhân thứ 3 là do bóng bàn Singapore yếu hơn trước, tay vợt Duan Yong Jun (gốc Trung Quốc) đã nghỉ thi đấu, còn Zhang Tai Yong lớn tuổi nên gánh nặng dồn về Cai Xiao Li, trong khi các tay vợt khác chưa đủ mạnh để kế thừa. Phía Thái Lan, có tin 2 anh em Phakphoom và Phuchong Sanguansin đều đang bị kỷ luật nên lực lượng Thái Lan chưa đủ tầm đối đầu với VN.
Thành tích huy chương đồng đồng đội nữ tại giải lần này cũng là một nỗ lực đáng khen trong điều kiện thiếu vắng nhiều trụ cột như Ngô Thu Thủy, Trần Lê Phương Linh, Mai Xuân Hằng. Các tay vợt trẻ như Lương Thị Tám, Đặng Thị Minh Hải, Vũ Thị Hà... đều cố gắng vượt qua chính mình. Đáng tiếc nhất là trận thua cuối cùng ở vòng bảng trước Malaysia 2-3 khi Hải và Tám đã có 2 trận thắng ấn tượng, trong đó Tám xuất sắc thắng Beh Lee Wei. Sau đó Tám còn chơi khá tốt khi đứng cặp với Nam Hải vào chung kết đôi nam nữ. Do Singapore có nhiều các tay vợt "nhập cảnh" từ Trung Quốc như Li Jia Wei, Zhang Xue Ling và Xu Yan rất mạnh nên các đội Đông Nam Á khác chưa phải là đối thủ của họ. Dù vậy bóng bàn nữ VN hiện đang bắt đầu được củng cố tốt với lực lượng trẻ và cho thấy có những tiến bộ nhất định.
Thanh Niên