Sau VTV Cup 2015, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam rơi vào hoàn cảnh “rắn mất đầu” khi HLV Thái Thanh Tùng đã trở lại làm nhiệm vụ với đơn vị chủ quản là Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Thái Bình. Như đã biết, vị chiến lược gia trẻ tuổi chỉ là phương án “đóng thế” của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam sau khi quyết định không triệu tập Phạm Văn Long dẫn dắt đội tuyển ở các giải đấu trong năm 2015.
Dù chỉ gắn bó với đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam trong 4 tháng ngắn ngủi, nhưng HLV Thái Thanh Tùng đã kịp ghi dấu ấn của mình một lần nữa trong màu áo đội tuyển quốc gia với vị trí thứ 5 ở giải vô địch bóng chuyền nữ châu Á. Bảo vệ thành công HCB tại SEA Games 28, đạt thành tích bất bại ở vòng bảng VTV Cup 2015. Tuy nhiên, HLV Thái Thanh Tùng cho biết không thể tiếp tục dẫn dắt đội tuyển nữ quốc gia do quá bận với vai trò của Phó giám đốc Trung tâm đào tạo VĐV của tỉnh Thái Bình.
Một điều quan trọng được HLV Thái Thanh Tùng nhấn mạnh trong ngày chia tay đội tuyển quốc gia sau VTV Cup 2015, đây chính là thời điểm bóng chuyền nữ Việt Nam cần có những chuyên gia giỏi nếu muốn vươn lên tầm châu lục.
Sau lứa của những Kim Huệ, Phạm Yến, Ngọc Hoa, Đỗ Minh, Thu Trang… lúc này đây, bóng chuyền nữ nước nhà đang sở hữu được lực lượng trẻ giàu triển vọng với những cái tên như Hà Ngọc Diễm, Trần Thị Thanh Thúy, Lê Thanh Thúy, Nguyễn Linh Chi, Bùi Thị Ngà, Nguyễn Hồng Đào, Lê Thị Hồng…. Đây đều là những gương mặt được giới chuyên môn trong nước đánh giá cao từ khi còn khoác áo đội tuyển trẻ. Được nhận định rằng đủ sức thay thế những đàn chị để “chinh chiến” ở đấu trường quốc tế trong tương lai.
Sau những lần được triệu tập dẫn dắt đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, HLV Thái Thanh Tùng thẳng thắn khẳng định, những “chân dài” Việt Nam không hề thua kém Thái Lan - đội đã vươn tầm châu lục và thế giới những năm gần đây. Tuy nhiên, một vấn đề lớn của bóng chuyền nữ nói riêng và bóng chuyền Việt Nam nói chung là chúng ta chưa có cách làm chuyên nghiệp, thiếu tính xuyên suốt từ cấp câu lạc bộ trở lên đến ĐTQG. Chính những rào cản này đã kéo bóng chuyền nữ đi chậm lại.
Minh chứng điển hình là trong suốt 16 năm qua, bóng chuyền nữ Việt Nam chỉ giành được ngôi Á quân tại đấu trường “ao làng” SEA Games. Giới chuyên gia trong nước thậm chí còn khẳng định với thực lực hiện tại để ĐT Việt Nam bị đẩy xuống vị trí thứ 3 tại Đông Nam Á còn khó hơn gấp vạn lần so với việc vào chung kết và giành HCB. Bởi các đối thủ khác trong khu vực còn yếu hơn rất nhiều. Trong khi ở tầm châu lục, bóng chuyền Việt Nam thường đứng ở vị trí thứ 6 đổ lại phía sau. (Trong năm 2015 đã lập nên kỷ lục mới với vị trí thứ 5 khi các đội bóng khác trẻ hóa lực lượng triệt để).
Những chia sẻ của HLV Thái Thanh Tùng không phải là mới. Tuy nhiên, đến nay lãnh đạo ngành Thể thao và Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) vẫn chưa tìm được hướng đi cụ thể. Trong những năm qua, Tổng cục Thể dục Thể thao và VFV nhiều lần mời chuyên gia nước ngoài dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam nhưng do thời gian quá ngắn, hoặc năng lực chuyên môn của các HLV ngoại chưa đáp ứng yêu cầu khiến đội tuyển quốc gia luôn rơi vào thế bị động. Trở thành “chuột bạch” bất đắc dĩ, hậu quả là đến nay bóng chuyền nữ Việt Nam vẫn chưa xây dựng được lối chơi mang bản sắc riêng của mình dù vẫn có những tài năng lớn trong đội hình (Kim Huệ, Phạm Yến, Ngọc Hoa, Đỗ Thị Minh…).
Với những tài năng trẻ đầy tiềm năng trong đội hình như Hà Ngọc Diễm, Trần Thị Thanh Thúy, Lê Thanh Thúy, Nguyễn Linh Chi, Bùi Thị Ngà, Nguyễn Hồng Đào, Lê Thị Hồng… đây là thời điểm thích hợp để Lãnh đạo ngành Thể thao, Lãnh đạo Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam thay đổi tư duy trong việc phát triển bóng chuyền nói chung và bóng chuyền nữ Việt Nam nói riêng. Đã đến lúc, Bóng chuyền cần nhận được sự đầu tư bài bản, để có thể vươn tầm châu lục và thế giới. Nếu chúng ta xây dựng được một lộ trình dài hơi và nghiêm túc thì việc mời những chuyên gia từ những nền bóng chuyền phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc hoặc châu Âu là điều không khó. Thay vì cảnh “ăn đong”, thời vụ như những năm qua.
Theo thethaovietnam.vn