Không nhiều đội bóng ở V-League nhận được sự ủng hộ cuồng nhiệt của CĐV đồng hương như SLNA. Trong khi tình yêu đối với bóng đá của NHM Việt Nam là vô giới hạn. Vậy việc các khán đài V-League trống vắng khán giả là do đâu?
V-League ra đời là đòi hỏi và là bước phát triển tất yếu với một nền bóng đá. Nhưng khá ngạc nhiên, đấy cũng là cột mốc đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ từ các khán đài: Mười phần CĐV đã vơi đi hết năm, bảy. Rất hiếm khi cầu thủ được chơi bóng dưới các khán đài đầy ắp người xem như trước đây. Lý do thì nhiều, nhiều lắm!
Một bộ phận vì mưu sinh, không cho rằng bóng đá là môn thể thao giải trí không thể thiếu, số này ít thôi. Cơ bản, với cơ chế và cách làm bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam, một thời gian dài, cuộc chơi thuộc về các ông bầu. Và giai đoạn tính bằng cả thập niên ấy, khá tai hại, khi ông bầu không ý thức hết được vai trò của CĐV.
|
Bóng-đá-ông-bầu đã làm vơi đi rất nhiều khái niệm gọi là màu cờ sắc áo và các thần tượng sân cỏ cũng không được ý thức xây dựng như trước kia. Trước, nghe kể các trận đấu ở giải VĐQG và giải các đội mạnh, từ Cao Lãnh đến Thống Nhất, Chi Lăng, Vinh, Hàng Đẫy, Chùa Cuối (Thiên Trường bây giờ)… luôn đông nghẹt người xem.
Bóng đá không có khán giả sẽ bị huỷ hoại một cách tự nhiên mà thôi. Khi giới thiệu sơ đồ 4-4-2 cổ điển, AFC đã ví truyền thông và khán giả như bộ đôi tiền đạo, cho thấy vai trò của các bộ phận này quan trọng đến đâu. Các khán đài thưa thớt dần, cũng khó có thể nói là chúng ta đã cung cấp một sản phẩm giải trí đạt chuẩn chất lượng, đó là điều chắc chắn.
Thiếu nên mới phải kiếm tìm. XMXT.Sài Gòn khi còn tồn tại đã nghĩ ra phương pháp bóng-đá-showbiz cũng là để kéo khán giả đến sân. Ở một chừng mực nào đó, phương pháp này đã phát huy tác dụng và đến giờ, từ Than Quảng Ninh đến Hà Nội T&T, đều đang học theo. Ông Chủ tịch đương nhiệm của Hội CĐV Hà Nội T&T là một nghệ sỹ nổi tiếng.
Không phải đội bóng nào cũng thừa hưởng đặc ân như SLNA, FLC Thanh Hoá, Hải Phòng hay phần nào đó là SHB.Đà Nẵng, khi người hâm một ý thức đội bóng là một phần cơ thể mình. Tính cộng đồng có vai trò cực kỳ quan trọng trong những thời khắc khó khăn và có đôi khi thậm chí còn quyết định luôn sự tồn vong của đội bóng.
Nghe chuyện ở Bình Dương, với nhóm – Hội CĐV được thừa nhận chính thức có chút mâu thuẫn với nhóm “Ultras Bình Dương”, kiểu như trống đánh xuôi kèn thổi ngược, dù đều là đến sân cổ vũ đội bóng đất Thủ mà thấy buồn quá! Cổ động bóng đá chưa (hoặc ít) sinh ra quyền lợi mà đã thế, nếu nó là một miếng bánh thì phải chia làm sao đây?
Những ngày qua, khi các bài báo của Thể thao & Văn hoá về CĐV lên trang, đã nhận được rất nhiều những ý kiến trái chiều, song về cơ bản, tình yêu thì không có tội. Việc tổ chức Hội – nhóm CĐV quy củ, chuyên nghiệp, là sự đồng bộ cần thiết khi bóng đá Việt Nam đã lên chuyên, nhưng kể cũng khó có thể bắt người khác “yêu” giống mình.
Theo thethaovietnam.vn