Cụm từ "xã hội hoá" có lẽ không xa lạ gì với những người làm công tác TDTT, đặc biệt trong lĩnh vực thể thao thành tích cao khi mà tốc độ phát triển của thể thao nước nhà đã vươn lên tầm châu lục. Bên cạnh việc thực hiện song song 4 giải pháp chính, gồm: nhóm giải pháp chuyên môn; nhóm giải pháp về pháp lý và cơ chế chính sách; nhóm giải pháp tổ chức, quản lý và nhóm giải pháp kinh tế, thể thao Việt Nam đang tấn công sâu vào nhóm giải pháp kinh tế. Đây là nhóm giải pháp then chốt để tạo nên bước đột phá cho sự phát triển, bởi lâu nay, thành tích thể thao của nước ta vẫn chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước. Vì vậy, chỉ có dựa vào các nguồn lực xã hội là chính mới có thể chuyển đổi cơ chế vận hành của nền TDTT từ kế hoạch tập trung bao cấp toàn phần sang cơ chế thị trường định hướng XHCN.
Ngày 24/4/2007, sự kiện Liên đoàn Cờ Việt Nam ký thoả thuận hợp tác phát triển, hỗ trợ môn Cờ vua với Công ty đầu tư Tài chính Dragon Capital đã trở thành dấu mốc quan trọng, ghi nhận sự nỗ lực của Liên đoàn Cờ Việt Nam trong công tác xã hội hoá. Đây là một điều lạ bởi các Nhà tài trợ thường tìm đến với những môn thể thao động, các môn thu hút sự quan tâm của đông đảo NMH như: Bóng chuyền, Cầu lông, Bóng bàn, Bơi lội... còn Dragon Capital lại lựa chọn Cờ vua.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi việc gắn và quảng bá thương hiệu của mỗi Nhà tài trợ là mục đích hàng đầu của sự đầu tư. Với phương châm "nghĩ trước một nước" Dragon Capital đã tìm đúng đối tượng - nơi mà đối tác của họ có những nét tương đồng trong mục đích phát triển chất xám. Có thể nói lần ký kết hợp tác này đã giúp Liên đoàn Cờ Việt Nam chút bỏ được một phần lo âu trong chuỗi ngày khó khăn đi tìm nguồn tài trợ.
Trên thực tế, cũng đã có nhiều Nhà tài trợ đến với Cờ vua, song kiểu tài trợ nhỏ lẻ, không mang tính hệ thống như Công ty Kymco Hoa Lâm hay Công ty Điện tử Tiến Đạt đã dẫn tới sự bị động về nguồn tài chính cũng như việc xây dựng kế hoạch dài hạn nhằm nâng cao chất lượng của môn thể thao này. Theo bản thoả thuận hợp tác Công ty Dragon Capital sẽ hỗ trợ kinh phí cho Liên đoàn Cờ Việt Nam trong thời gian 3 năm (2007 - 2009) với số tiền cam kết thấp nhất là 40.000 USD/ năm. Số tiền trên sẽ được dùng cho Quỹ giải thưởng, tổ chức các giải Cờ nhanh và Cờ chớp cũng như tổ chức các giải Cờ vua Dragon Capital mở rộng.
Vì vậy vừa qua, tại giải Cờ vua nhanh và Chớp nhoáng toàn quốc năm 2007 (được tổ chức tại Khách sạn Đệ Nhất - Tp. Hồ Chí Minh), cơ cấu giải thưởng đã được mở rộng rất nhiều, thay vì trao cho Nhất, Nhì, Ba (cá nhân và đồng đội nam, nữ) như trước, giải đã trao thưởng cho 6 đội và 10 cá nhân đứng đầu (nam, nữ). Đặc biệt, buổi Lễ bế mạc với các tiết mục văn nghệ sôi động đã để lại dấu ấn tốt đẹp về Nhà tài trợ Dragon Capital.
Chỉ hơn 1 tháng sau (2/6), tin vui lại đến với NHM Cờ vua khi tập đoàn FPT đã quyết định trao học bổng và tài trợ cho 12 kỳ thủ có thành tích xuất sắc nhưng có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Thời hạn tài trợ tính từ 1/6/2007, dự kiến kéo dài trong 3 năm, nhưng có đánh giá thành tích từng năm để quyết định tăng, giảm hoặc cắt tài trợ. Trị giá của mức tài trợ là 500.000 đồng/kỳ thủ. Trong đó, VĐV Trần Tuấn Minh (10 tuổi, Hà Nội, HCĐ giải trẻ Châu Á) và Lê Hữu Thái (10 tuổi, Lâm Đồng, 6 HCV giải trẻ Đông Nam Á) là hai kỳ thủ được nhận mức tài trợ đặc biệt, gồm một dàn máy vi tính FPT Elead và học bổng mỗi tháng 500.000 VND. Ngoài ra, theo đề xuất của Liên đoàn Cờ Việt Nam, hai cá nhân này còn được tài trợ kinh phí để đi thi đấu quốc tế hàng năm.
Như vậy có thể nói, dù phát triển chậm hơn so với các quốc gia trong châu lục song công tác xã hội hoá thể thao thành tích cao ở Việt Nam đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Sự đầu tư này không còn đổ dồn hay tập trung vào những môn thể thao mà người ta cho là đem lại lợi nhuận nhất (như ở nước ta, Bóng đá là môn thể thao đi đầu về công tác xã hội hoá, song trình độ vẫn còn thấp), mà đã thấy sự xuất hiện của nó ở nhiều môn, trên khắp các giải đấu...
Chưa thể đảm bảo cho một quá trình phát triển bền vững nhưng những thành công ban đầu trong công tác xã hội hoá ở môn thể thao trí tuệ cũng đủ để NHM Cờ vua, những người làm công tác thể thao giảm bớt nỗi lo về tình trạng thất thoát nhân tài như trường hợp của ĐKTQT Hoàng Thanh Trang (hiện đang thi đấu dưới màu áo của Hungary) và tin vào tương lai, thể thao của chúng ta sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
Tiểu Hợi