|
Các VĐV Đắk Lắk chiếm ưu thế tại giải (Ảnh: BN) |
* Xin ông cho biết, môn thể thao vốn quen thuộc với đồng bào các tỉnh Tây Nguyên và phía Bắc… nhưng giải trẻ lần này được xem là bước ngoặt quan trọng khi được tổ chức ở một thành phố như TP.HCM ?
* Ông Trần Huy Bình: Thực tế quả đúng như vậy, nhưng có một điều đặc biệt là thời gian gần đây, ngành thể thao TP.HCM đã rất chú trọng phát triển môn Đẩy gậy tại địa phương của mình. Có thể nói Đẩy gậy đã bám rễ sâu rộng từ cấp phường, xã, trong môi trường giáo dục…Khi môn Đẩy gậy đã được các tỉnh, thành chú trọng đầu tư, lại được TP.HCM, một trung tâm kinh tế, chính trị xã hội đăng cai, chúng tôi cho rằng là một cơ hội để môn thể thao này phát triển và có điều kiện vươn xa hơn nữa.
* Tại sao giải Vô địch quốc gia đã lên tuổi thứ 5 nhưng bây giờ mới tổ chức giải trẻ?
* Ông Trần Huy Bình: Đây là trò chơi đẩy cây thường xuất hiện ở các lễ hội của đồng bào vùng Tây Nguyên và phía Bắc, đã được đưa vào hệ thống thi đấu quốc gia từ nằm 2004. Sau một lộ trình phát triển và nâng cấp thành môn thể thao đỉnh cao, giải trẻ lần này một lần nữa sẽ góp phần nâng cao vị thế cũng như định hướng phát triển mới cho môn thể thao dân tộc.
* Chỉ là cấp độ giải trẻ nhưng xem ra BTC và các nhà chuyên môn đã dành cho giải một sự quan tâm đặc biệt?
* Ông Trần Huy Bình: Khi giải trẻ có mặt trong hệ thống thi đấu quốc gia buộc các địa phương phải vào cuộc và quan tâm, tập trung các nguồn lực để đầu tư cho môn này phát triển ở địa phương mình, nếu muốn giành thành tích cao tại các giải cấp quốc gia. Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 -2010, HCV của môn Đẩy gậy cũng có vị trí như HCV của các môn thể thao khác như Điền kinh, Bơi…Đó là điều kiện cộng hưởng để phát triển môn Đẩy gậy. Từ đây, phong trào sẽ phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa tại Việt Nam. Chúng ta không chỉ khôi phục, bảo tồn mà còn phát triển môn thể thao của dân tộc lên tầm cao mới.
* Đã có nhiều môn thể thao của Việt Nam trở thành môn thể thao phát triển trên toàn thế giới. Theo ông Đẩy gậy cũng sẽ vươn xa như thế ?
* Ông Trần Huy Bình: Võ cổ truyền Việt Nam, Vật dân tộc…phát triển mạnh mẽ. Nổi bật là Vovinam đã thu hút nhiều võ sinh trên khắp các châu lục tham gia luyện tập và đã có Liên đoàn thế giới. Lộ trình cũng bắt đầu như Đẩy gậy bây giờ. Tôi tin, Đẩy gậy có nhiều khả năng vươn xa hơn.
* Sẽ không tránh khỏi tình trạng, cứ đến Đại hội toàn quốc thì các tỉnh, thành tập trung cho môn này để lấy thành tích. Ông nghĩ sao về điều này?
* Ông Trần Huy Bình: Nếu phát triển những môn như Bóng đá, Bóng chuyền, Bơi…phải có CSVC cũng như trang thiết bị hiện đại…Trong khi với môn này, chỉ cần cây gậy dài 2m, khoảng sân 5m là có thể luyện tập được rồi, tất nhiên là phải có hệ thống đào tạo và huấn luyện bài bản. Thế nhưng, với yêu cầu CSVC không cao, có đặc thù dễ chơi, môn này lại mang tính Lễ hội khi có sự tham gia cổ vũ hào hứng của nhiều người cùng với không khí nhộn nhịp…sẽ dễ phổ cập nên hy vọng sẽ phát triển mạnh mẽ, bền vững chứ không mang tính thời vụ. Bao giờ cũng vậy, bước đầu lúc nào cũng có những khó khăn nhất định nhưng tôi tin là môn thể thao dân tộc của chúng sẽ vươn cao, vươn xa hơn nữa…
*Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Xuân Nhi - Bắc Nam