Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia tập luyện thể thao. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về phát triển phong trào TDTT, chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Phát động, hướng dẫn, chỉ đạo các cấp, các ngành, các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các hoạt động, các giải thể thao cơ sở
Đầu tư mạnh mẽ cho thể thao thành tích cao, Thanh Hóa cũng không bỏ qua “chân đế” vững chắc là thể thao cho mọi người.
Trưởng Phòng Quản lý TDTT, Sở VH,TT&DL Nguyễn Bá Thịnh, cho biết: "Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được đông đảo Nhân dân tham gia tích cực, tự giác, hiệu quả. Phong trào xây dựng gia đình thể thao và CLB TDTT cơ sở được phát triển và có chất lượng. Công tác xã hội hóa bước đầu đã thu được kết quả tốt. Nhân dân tự nguyện đóng góp công sức, kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT ngày càng nhiều. Số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 44,2% dân số; CLB TDTT tăng 30 CLB đạt 3.530 CLB toàn tỉnh. Sở VH,TT&DL phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo nâng cao chất lượng các môn học giáo dục thể chất, đẩy mạnh tổ chức, tham gia các hoạt động TDTT ngoại khóa trong các nhà trường; trường học thực hiện công tác giáo dục thể chất nền nếp và chất lượng đạt 100%; trường học thực hiện giáo dục thể chất ngoại khóa đạt 98,6%. Hệ thống các giải TDTT quần chúng cấp tỉnh được duy trì, nâng cao chất lượng trong năm. Năm 2024, dự kiến có 22 giải TDTT cấp tỉnh và nhiều giải đấu của các ngành, đơn vị được tổ chức, góp phần “giữ lửa” và phát triển phong trào chung của tỉnh”.
Điểm tựa khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của phong trào TDTT quần chúng tỉnh Thanh Hóa trong năm qua là sự quan tâm, đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT từ các khu dân cư cho tới việc hoàn thiện hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, phường, thị trấn và xây dựng mới nhiều công trình cấp huyện, thị xã, thành phố.
Ông Đàm Văn Long, Phó Trưởng phòng Quản lý TDTT Thanh Hóa cho biết: "Công tác xây dựng cơ sở vật chất TDTT là một trong những chủ trương, chính sách văn hóa lớn của Đảng và Nhà nước, đồng thời là một trong những tiêu chí quan trọng của phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay. Các quận, huyện tại Thanh Hóa không ngừng nâng cao điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu rèn luyện TDTT cho Nhân dân tại địa phương cơ sở, vừa đầu tư xây mới sân vận động huyện với mặt cỏ nhân tạo, nâng cấp nhà thi đấu, bể bơi cấp huyện theo hướng hiện đại, tăng số lượng các giải đấu TDTT hằng năm và tiếp tục nâng cao thành tích thi đấu tại các giải đấu, sự kiện lớn cấp tỉnh".
Tính đến tháng 1/2024, trên địa bàn tỉnh có 556 sân vận động đủ kích thước (60m x 90m), 155 nhà tập luyện, thi đấu cơ sở; 4.289 sân bóng chuyền; 4.644 sân cầu lông; 2.391 bàn bóng bàn; 134 sân quần vợt; 216 bể bơi đơn giản; 126 sân bóng rổ; 4.046 sân chơi bãi tập. Các công trình TDTT trên địa bàn cơ bản được giao cho các đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng để phục vụ nhu cầu tập luyện của Nhân dân, tổ chức các hoạt động thể thao phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa và đời sống của Nhân dân.
Bên cạnh đó, mô hình kinh doanh hoạt động TDTT có điều kiện cũng phát triển mạnh như: bóng đá, bơi, mô tô nước, thể dục thẩm mỹ, thể dục thể hình, billiards & snooker, yoga và các môn võ thuật...
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã tham mưu với Chủ tịch UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao cho 58 cơ sở, nâng tổng số cơ sở hoạt động TDTT có đủ điều kiện hoạt động trong toàn tỉnh lên 350 cơ sở; xem xét đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư cho một số dự án xây dựng cơ sở vật chất, sản xuất, kinh doanh dụng cụ, trang thiết bị TDTT. Hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ TDTT trên địa bàn tỉnh đã góp phần làm phong phú đời sống, phong trào TDTT.
Mai Hoa