*Tại Lễ hội kỷ niệm 1973 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (thôn Hạ Lôi - xã Mê Linh, huyện Mê Linh). Cùng với phần Lễ với những nghi thức Lễ Tế và Lễ rước…Phần Hội được tổ chức sôi nổi với các trò diễn, trò chơi, diễn xướng nhân dân trong xã Mê Linh và các xã lân cận như: Vật dân tộc, bịt mắt bắt dê, đánh đu, thi đấu Cờ người, văn nghệ truyền thống (múa rồng, múa Lân sư, hát chèo…)…
*Tại Lễ Lễ hội truyền thống đền Sóc Sơn (Lễ hội đền Gióng) được tổ chức trang trọng theo tục truyền tại sân Rồng đền Thượng, Khu Du lịch Di tích đền Sóc tưởng nhớ thượng đẳng phúc thần Phù Đổng thiên vương. Hàng nghìn người dân huyện Sóc Sơn và du khách thập phương đội mưa tham dự lễ dâng vật phẩm và kính cẩn dâng hương tới đức Phù Đổng thiên vương cùng các vị thánh thần ngự tại Sóc Sơn linh từ. Lễ hội năm nay được tổ chức theo tinh thần vui vẻ, lành mạnh, tiết kiệm, kế thừa và phát huy tinh hoa văn hóa đã được UNESCO công nhận với mục đích chính giáo dục, khơi dậy truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông. Ngoài phần lễ, phần hội cũng diễn ra tại Khu du lịch di tích đền Sóc Sơn với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc: Vật, chọi gà, đánh cờ, hát, hát ải lao... Lễ hội kéo dài đến hết ngày 17/2 (mùng 8 tháng Giêng âm lịch).
* Lễ hội Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh) chính thức khai hội vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch nhằm tưởng nhớ ngày An Dương Vương lên ngôi. Lễ hội năm nay càng có ý nghĩa khi Khu di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa – một di tích có quan hệ chặt chẽ với lễ hội Cổ Loa, vừa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội Cổ Loa là lễ hội chung của bát xã (tám làng), bởi vậy hội Cổ Loa luôn được tổ chức trong không khí tưng bừng, náo nhiệt. Sau phần lễ diễn ra trang nghiêm là phần hội với nhiều hoạt động văn hóa thể thao dân gian như: thi đấu vật nam, nữ; Cờ người, Bắn nỏ, Bóng chuyền, Kéo lửa thổi cơm thi, hát chèo, cải lương, diễn tuồng cổ, hát quan họ, múa rối nước…
Không chỉ diễn ra trong các Lễ hội, tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam (Hà Nội) các hoạt động văn hóa, thể thao dân tộc đặc sắc cũng được tổ chức như: Leo cột, luồn dây, nhảy chữ thập, múa tứ linh (long, ly, quy, phượng), các điệu múa sạp, múa khăn, múa nón, pháo đất, đánh đu, kéo co, nhảy bao bố; Nhảy bước (Thái), đánh quay (Dao, Nùng), đánh cầu lông gà (Pà Thẻn, Mông), pháo đất...
VD (tổng hợp)