* Là một thành viên trong Ban soạn thảo, xin ông cho biết những nét khái quát về Đề án này?
Đề án đưa các môn võ dân tộc vào giảng dạy trong trường học là một chương trình nhằm làm cho hầu hết học sinh, sinh viên trong cả nước lựa chọn các bài tập của các môn Võ dân tộc và các trò chơi dân gian khác để rèn luyện thân thể, nâng cao sức khoẻ, thể lực. Qua đó, giáo dục đạo đức, ý chí, góp phần nâng cao chất lượng học tập các môn văn hoá, đồng thời phát triển, bồi dưỡng năng khiếu võ thuật trong học sinh.
Các môn Võ dân tộc ở đây, bao gồm: Võ cổ truyền, Vovinam, Vật dân tộc. Ngoài ra, còn có có các trò chơi dân gian khác sẽ được đưa vào giảng dạy trong trường học, bao gồm tất cả các bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân: từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, đến giáo dục chuyên nghiệp. Ứng với từng độ tuổi, giới tính, đề án sẽ xây dựng chương trình tập luyện và thi đấu khác nhau cho phù hợp.
* Dự kiến, phương thức đưa các môn Võ dân tộc này vào chương trình dạy học như thế nào, thưa ông?
Hiện nay, ban soạn thảo cũng đã nghiên cứu, và dự kiến trước hết sẽ tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khoá cho học sinh, sinh viên các cấp về các môn Võ cổ truyền, Vovinam và Vật dân tộc. Việc này sẽ thực hiện theo Quyết định số 72/2008/QĐ-BGDĐT ngày 23/12/2008 và văn bản số 3955/BGDĐT-CTHSSV ngày 14/5/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, các trường học sẽ thực hiện một số nhiệm vụ như: Tổ chức cho học sinh toàn trường tập các bài quyền cơ bản của Võ cổ truyền hoặc Vovinam trong các giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học, có thể thay đổi luân phiên với các bài thể dục khác; hàng năm tổ chức các giải Võ cổ truyền, Vật dân tộc, Vovinam; Thành lập các đội tuyển, dự tuyển của trường về các môn thể thao đó; thành lập các CLB trong các trường...
Các bài tập cơ bản của các môn Võ cổ truyền, Vật dân tộc, Vovinam sẽ được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Liên đoàn Vovinam và Vụ TDTT quần chúng - Tổng cục TDTT phối hợp soạn thảo phù hợp với từng bậc học, cấp học. Các bài tập này sẽ được in thành sách, làm thành đĩa VCD, DVD.
Đề án sẽ từng bước nghiên cứu, đưa vào chương trình chính khoá các bài tập của Võ cổ truyền, Vật dân tộc và Vovinam. Theo đó, chương trình dạy Võ dân tộc Việt Nam cho Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông sẽ được xây dựng phù hợp với từng đối tượng. Các nội dung chương trình dạy Võ này sẽ được bổ sung vào sách hướng dẫn của giáo viên Giáo dục thể chất ở trường học.
Bên cạnh đó, sẽ mở các lớp chuyên sâu Võ dân tộc Việt Nam trong chương trình đào tại các trường Đại học TDTT, Đại học Sư phạm TDTT; Hướng dẫn các sở Giáo dục và Đào tạo, Sở VH,TT&DL trong cả nước tập huấn hè hàng năm cho giáo viên Giáo dục thể chất trong trường phổ thông về chương trình giảng dạy Võ dân tộc Việt Nam.
* Với khối lượng công việc lớn như vậy, Đề án đã đưa ra các giải pháp thực hiện như thế nào cho hiệu quả nhất, thưa ông?
Đúng vậy, đưa Võ dân tộc vào trường học là một chương trình cần sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, tổ chức cùng tham gia. Xác định được khối lượng công việc lớn và cần sự phối hợp hiệu quả nhiều đơn vị, ban soạn thảo cũng đã dự kiến đưa ra một số giải pháp chính để thực hiện kế hoạch. Trước tiên, sẽ thành lập tổ công tác liên ngành gồm các đơn vị liên quan để triển khai các nhiệm vụ nói trên. Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chủ trương này, dự kiến sẽ soạn thảo Chương trình phối hợp hoặc Thông tư liên tịch giữa Bộ VH,TT&DL và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình sẽ được đưa vào kế hoạch hàng năm của 2 Bộ, của Tổng cục TDTT để có kinh phí triển khai đồng thời tích cực vận động xã hội hoá để có thêm nguồn lực hỗ trợ việc thực hiện kế hoạch.
* Xin chân thành cảm ơn ông
Nguyễn Siêm thực hiện