Trong những năm qua, công tác GDTC trong trường học đã luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Điều đó, được thể hiện rất rõ qua các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Chính phủ đã ban hành nhằm củng cố và tăng cường sức khỏe cho học sinh, sinh viên trên toàn quốc. Cùng với đó, các hình thức tổ chức các hoạt động GDTC trong các trường học ngày càng đa dạng, phong phú, góp phần quan trọng vào việc nâng cao công tác giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, cho học sinh trên toàn quốc có sự phát triển cả về trí và lực.
Đặc biệt, việc thực hiện thành công phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã tạo cơ hội tốt đưa các trò chơi dân gian, trò chơi vận động, trò chơi truyền thống và các môn Thể thao truyền thống vào trường học, thu hút sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, giáo viên và các em học sinh... Theo thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT, trong năm học vừa qua, tất cả các trường học trong cả nước đã tiến hành dạy và học môn Thể dục theo chương trình chuẩn do Bộ GD&ĐT ban hành từ lớp 1 đến lớp 12 và có gần 90% học sinh đạt tiêu chuẩn về thể lực theo quy định.
Để thực hiện hiệu quả công tác GDTC trong trường học, thời gian qua Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều Hội nghị khoa học GDTC và y tế trường học, nhằm đổi mới theo xu hướng xã hội hóa công tác GDTC và phong trào TDTT ngày càng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, công tác GDTC trong vẫn còn một số hạn chế như: công tác GDTC và thể thao trường học vẫn chưa được quan tâm đúng tầm; nhiều cơ sở giáo dục vẫn coi nhẹ công tác GDTC và thiếu bình đẳng so với các mặt giáo dục khác; đội ngũ cán bộ khoa học và nhà giáo có trình độ cao của ngành còn mỏng, nhiều GV, giảng viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo...
Ngoài ra, ở thời điểm này cả nước mới chỉ có khoảng 30% số trường tiểu học có giáo viên TDTT chuyên trách, chủ yếu là ở các trường điểm và các đô thị, còn lại do giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm dạy môn thể dục. Ở các trường THCS, có đến 20% số tiết thể dục do giáo viên chủ nhiệm giảng dạy. Chế độ, chính sách đối với giáo viên TDTT còn nhiều bất cập; nội dung kỹ thuật nhiều môn Thể thao trong chương trình còn mang xu hướng nặng nề, có nhiều kỹ thuật quá khó không phù hợp với đặc điểm sức khỏe, lứa tuổi học sinh. Nhiều nơi, giờ học thể dục còn mang tính hình thức, học sinh tham gia với tâm thế bị bắt buộc, gượng ép. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho GDTC trong trường học (nhà tập, sân tập, sân chơi, bể bơi, dụng cụ tập luyện…) còn thiếu và yếu, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, miền núi…
Để khắc phục những mặt hạn chế trên, tại Hội thảo lần này nhiều đại biểu đã đưa ra những ý kiến đóng góp hết sức bổ ích nhằm góp phần nâng cao chất lượng GDTC như: trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ năng vận động, giáo dục các tố chất về thể lực... như thế nào cho tốt và hiệu quả nhất, cũng như cần phải tăng cường nhiều tiết học thể dục hơn nữa, hay cần gắn GDTC với sự ham thích của HS; nhằm góp phần quan trọng vào việc giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, hình thành nhân cách cho học sinh; đồng thời hạn chế các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn trong nhà trường và xã hội... Bởi học đường chính là môi trường thuận lợi và giàu tiềm năng để phát hiện tài năng Thể thao cho đất nước.
Không chỉ thế, Thể thao học đường không chỉ là phương tiện để rèn luyện và nâng cao sức khỏe mà còn góp phần rèn luyện nhân cách, đạo đức, kỷ luật, ý chí và lối sống lành mạnh đối với học sinh. Do vậy, đầu tư phát triển TDTT trường học là nhu cầu tất yếu, đòi hỏi trách nhiệm, sự quan tâm và phối hợp đồng bộ của mọi tầng lớp trong xã hội, tất cả hướng đến một xã hội phát triển toàn diện trong tương lai.
Hương, Toàn