Những người đi câu tự do còn được gọi là “câu thủ”. Những câu thủ thường tập trung tại một số địa điểm như cửa đập hồ An Biên (quận Lê Chân), hồ Tam Bạc (quận Hồng Bàng), bờ đê phường Hải Thành (quận Dương Kinh), khu kè đá bãi biển Đồ Sơn,… Đây đều là những điểm câu cá tự nhiên đòi hỏi nhiều kỹ năng của câu thủ. Mặt khác, do là cá tự nhiên nên mồi câu cũng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Đối với mỗi loại cá, câu thủ phải lựa chọn loại mồi phù hợp. Ở một số khu vực, tùy theo loại cá, người đi câu phải chuẩn bị sẵn những gói thính, thả xuống nước để “mời” cá đến ăn. Tuy nhiên, lượng thính rắc phải vừa đủ, tránh hiện tượng cá ăn no thính không còn tìm đến mồi câu nữa.
Ngoài ra, do đây đều là điểm câu cá tự phát, được giới câu thủ truyền tai nhau, lượng người câu ở khu vực này rất đông. Câu thủ phải tính toán thời gian đi câu phù hợp. Anh Đào Văn Tuyên, ở 2A phố Lam Sơn (quận Lê Chân) chia sẻ: “Tốt nhất người đi câu nên tránh 2 ngày cuối tuần bởi những ngày này, giới công chức được nghỉ số lượng cần thả câu sẽ rất nhiều, chắc chắn câu sẽ khó khăn hơn”. Thậm chí sang ngày thứ 2, các điểm câu thường được rắc rất nhiều thích và thức ăn trong hai ngày trước đó, chìm ở dưới đáy, cá chưa ăn hết nên sẽ không cắn câu.
Nhiều bạn trẻ tìm đến các khu sinh thái để tận hưởng cảm giác thú vị khi câu cá.
Nhiều bạn trẻ tìm đến các khu sinh thái để tận hưởng cảm giác thú vị khi câu cá.
Thư giãn với câu cá khu sinh thái
Điểm khác biệt lớn nhất của câu cá trong khu sinh thái với câu cá tự nhiên là nguồn cá tại điểm câu. Nếu như câu cá tự nhiên phải để ý con nước lên xuống để tính toán đặc điểm của từng loại cá thì câu cá khu sinh thái hoàn toàn không cần quan tâm đến điều này. Đơn giản bởi vì tại những khu sinh thái này cá được nuôi trong hồ nhân tạo. Chị Tạ Khánh Chi, quản lý khu sinh thái nghỉ dưỡng Nam Sơn cho biết: “Do mỗi khách lại có một sở thích câu cá khác nhau, người thì thích cá rô phi nhấn nhá rỉa mồi, người lại thích cảm giác tham ăn như “hùm đổ đó” của cá chim trắng. Bởi vậy hầu hết các hồ nhân tạo đều được thả rất nhiều loại cá để đáp ứng nhu cầu của khách”.
Nếu như đi câu cá tự nhiên, câu thủ phải đầu tư những bộ cần câu, lưỡi câu thì tại các khu sinh thái, người câu gần như không cần phải trang bị bất cứ dụng cụ gì. Tùy vào loại cá muốn câu, người đi câu sẽ được cho thuê loại cần tương ứng. Mỗi lượt thuê có giá từ 10-15 nghìn đồng một cần. Ngoài ra, bất kể có câu được cá hay không, người câu cũng phải trả một khoản phí sử dụng dịch vụ câu cá dao động từ 30- 50 nghìn đồng một lần. Tuy rằng cá có sẵn trong hồ câu nhưng cũng không phải dễ dàng mà có được “chiến lợi phẩm” cho riêng mình. Anh Lê Minh Trường, ở đường Máng (huyện An Dương) cho biết: “Bên cạnh các kỹ thuật đơn giản được nhân viên các khu sinh thái hướng dẫn như câu cá lúc nào, lượng mồi ra sao, hay khi cá cắn câu, giật cần bằng cách nào, người câu cũng cần phải có sự kiên nhẫn và một chút may mắn”. Cũng bởi 2 tiếng “may mắn” mà có người chỉ thả cần là cá cắn câu, có người ngồi cả buổi chẳng có bọt tăm nào sủi lên chung quanh phao.
Tuy nhiên theo nhiều câu thủ chuyên nghiệp cũng như người câu cá nghiệp dư, dù có chọn thả cần ở đâu thì câu cá cũng là thời gian thư giãn, thú vui tao nhã, yên bình. Anh Lê Minh Trường chia sẻ thêm: “Điều dễ chịu nhất của câu cá là sự tĩnh lặng bởi chắc chắn chẳng cá nào chịu cắn câu khi trên bờ có nhiều âm thanh ầm ĩ. Mỗi lần đi câu là một lần tôi loại bỏ tất cả những suy nghĩ, khó khăn cực nhọc của cuộc sống, dồn tâm trí, sự chú ý vào chiếc phao câu cá”. Không chỉ đem đến một khoảng lặng cho cuộc sống, thú vui câu cá còn rèn cho con người một đức tính đáng quý, đó là sự kiên nhẫn.
Theo caucathethao.vn