Cách đây 2 ngày, Tuổi trẻ - một trong những tờ báo lớn và có tầm ảnh hưởng nhất quốc gia có đăng tải bài viết: Bộ trưởng Vinh thưa Quốc hội với tư cách đại biểu!
Chúng ta đã biết ông Bùi Quang Vinh ngoài cương vị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn là một đại biểu Quốc hội. “Đã không ít lần, ông Bùi Quang Vinh bắt đầu bài phát biểu trước Quốc hội với câu nói như vậy... Điều này dường như chưa từng gặp ở một bộ trưởng nào khác”. Chính vì “thưa Quốc hội với tư cách đại biểu” nên ông đã “nói ra những điều mà một chính khách cấp cao ở Việt Nam rất ngại nói”; đó là những phát ngôn “sinh động và bổ ích” nhưng “thường gây sốc”.
Theo tác giả bài báo, “trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam có đến hai phần ba đại biểu hoạt động kiêm nhiệm. Có nhiều người lựa chọn sự im lặng bởi “ở vị trí của mình khó nói lắm”. Bởi vậy, “rất đáng trân trọng tư cách đại biểu của ông Vinh” - tác giả đưa ra lời bình.
Chúng tôi không bàn về những phát biểu của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh mà chỉ muốn bình luận ở góc độ “chọn tư cách phát ngôn”, liên quan đến sân cỏ nước nhà cùng một trong những nhân vật quyền lực nhất làng cầu quốc nội: ông bầu Đoàn Nguyên Đức.
Cách đây chưa lâu, ông chủ của đội bóng phố Núi Pleiku Đoàn Nguyên Đức cũng khiến cả làng bóng sửng sốt với những ý kiến hết sức thẳng thắn về vai trò của huấn luyện viên (HLV) trưởng đội tuyển Việt Nam, nào là “còn sử dụng HLV Toshiya Miura thì bóng đá nước nhà sẽ không phát triển được”, rồi ông “sẽ là người đầu tiên bỏ phiếu sa thải chiến lược gia người Nhật Bản”... Cần phải nói thêm là như phân tích của các chuyên gia bóng đá, sách lược “hướng tới Nhật Bản” là do Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hùng Dũng khởi xướng và chỉ đạo. Điều này có nghĩa: khi công kích nhà cầm quân Toshiya Miura không khác gì phê phán chủ trương của Chủ tịch VFF.
Những phát biểu không đồng tình, thậm chí là phản đối cách VFF làm việc cũng như dùng người không hiếm - điển hình là những phát ngôn của HLV Lê Thụy Hải. Nhiều bận ông Hải “lơ” đã đăng đàn, “đánh” thẳng vào công tác điều hành, quản lý của VFF. Tuy nhiên, vị thế của chiến lược gia người Hà Đông khác với ông bầu họ Đoàn. Bầu Đức đang là đương kim Phó Chủ tịch VFF, đồng thời “có chân” trong Hội đồng quản trị Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Có lẽ cũng ý thức được cương vị hết sức “nhạy cảm” của mình nên khi phê phán đường lối của “cấp trên”, ông Đức đã cẩn thận rào đón: những ý kiến ấy, ông nói trong tư cách một người hâm mộ.
Chính vì bầu Đức không phát ngôn trong tư cách Phó Chủ tịch VFF mà khán giả cả nước mới “sốc nặng”, đồng thời cảm nhận được nội bộ VFF đang có dấu hiệu mất đoàn kết. Cái mà người hâm mộ tưởng là “sách lược của VFF” thực chất chỉ là suy nghĩ của người đứng đầu tổ chức này và đáng nói hơn, quan điểm của “ông Chủ tịch” và “cấp Phó” hoàn toàn đối lập nhau.
Nếu bầu Đức không chọn “tư cách khán giả” để phát ngôn, có lẽ chẳng ai biết được trong “tấm chăn VFF” có gì?
Với thực trạng hiện tại, xem ra sân cỏ nước nhà rất cần những vị “quan bóng đá” phát ngôn ở “tư cách khán giả” để chúng ta có cái nhìn khách quan, nhiều chiều về công tác quản lý, điều hành cả một làng cầu.
Theo thethaovietnam.vn