Đội bóng U21 Hoàng Anh Gia Lai (U21HAGL) đã vô địch giải bóng đá U21 quốc tế rất thuyết phục sau khi đánh bại chính U19 Hàn Quốc - đối thủ từng thắng đội bóng phố núi 1-0 trong ngày khai mạc. Trong chiến tích này, Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn, Xuân Trường, Đông Triều, Văn Tiến… là những người đóng góp nhiều nhất. Đặc biệt, Công Phượng với 4 bàn thắng trong 2 trận, trong đó có 2 bàn hết sức đẳng cấp. Đó là pha solo đi bóng qua 3 - 4 hậu vệ đối phương rồi kết thúc lạnh lùng, tái hiện lại pha ghi bàn ngoạn mục vào lưới U19 Australia cách đây chưa lâu, cũng do chính Công Phượng thực hiện. Bàn thứ hai là pha đi bóng từ giữa sân và tung cú sút xa, bóng bay với quỹ đạo khác thường găm vào góc cao khung thành U19 Hàn Quốc, giúp U21 HAGL mở tỉ số trong trận chung kết và sau đó vô địch.
Sở dĩ chúng tôi nhắc lại 2 tình huống ghi bàn này, bởi đó là tiêu biểu cho phẩm chất của một tài năng đặc biệt như Công Phượng. Và hiện tại, trong các lứa trẻ của Việt Nam từ cấp độ U17 đến U23 thì chỉ có Công Phượng mới có thể làm nên những pha bóng vừa đẹp mắt nhưng cũng đầy hiệu quả như thế. Nhưng, điều mà chúng tôi muốn nêu lên là chúng ta nên làm thế nào để giúp tài năng ấy ngày càng phát triển, tỏa sáng hơn nữa chứ không phải rơi vào cảnh sớm lụi tàn như đàn anh Văn Quyến từng gặp.
Giờ đây, ở góc độ tài năng và tầm ảnh hưởng trên sân cỏ, Công Phượng đang lặp lại gần giống như thần tượng Văn Quyến. Đó cũng là lý do để người viết lo ngại. Biết rằng, nền tảng và xuất phát điểm của Văn Quyến và Công Phượng là khác nhau, khả năng phấn đấu và rèn luyện của cầu thủ thuộc biên chế HAGL cũng tốt hơn (học vấn, khả năng sử dụng ngoại ngữ lưu loát,...). Nhưng, một cầu thủ trẻ như Công Phượng liệu có tỉnh táo, vượt qua những lời có cánh, tung hô từ những người xung quanh, nhất là giới truyền thông và người hâm mộ để vượt qua các giới hạn của bản thân?
Theo thethaovietnam.vn