Nhân dịp này, bà Đỗ Thị Mai Xuân - Trưởng Ban nữ công Công đoàn Tổng cục TDTT, Phó Vụ trưởng Vụ tài Chính - Tổng cục TDTT đã có đôi điều chia sẻ về những người phụ nữ đã và đang công tác trong ngành TDTT. Họ chính là những bông hồng của Thể thao Việt Nam, đã nhiều lần làm rạng ranh Tổ quốc trên các đấu trường trong nước và quốc tế, hoặc đang âm thầm cống hiến cho sự nghiệp Thể thao nước nhà.
Thưa bà, với tư cách là trưởng Ban nữ công Tổng cục TDTT bà có thể chia sẻ đôi điều về cảm xúc nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8 - 3?
Tháng 3 về trong không khí phấn khởi mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới, mừng ngày thành lập Ngành TDTT, thay mặt ban Nữ công Công đoàn Tổng cục TDTT, tôi xin gửi tới toàn thể chị em nữ công thuộc các Công đoàn cơ sở thành viên nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 lời chúc sức khỏe, chúc chị em ngày càng duyên dáng, xinh tươi, đằm thắm và không ngừng tiến bộ trên mọi lĩnh vực công tác.
Trong năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát tăng nhưng nhiều chị em đã nỗ lực vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn. Điều đó được minh chứng qua kết quả tổng kết công tác năm 2011, đại đa số chị em đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, một số chị em đạt Chiến sĩ thi đua cấp Bộ; 2 đồng chí vinh dự được nhận Huân chương lao động hạng Nhì, hạng Ba, 1 đồng chí nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Trong thi đấu Thể thao, nhiều nữ VĐV đạt thành tích rất đáng khâm phục thể hiện qua kết quả bầu chọn VĐV, HLV tiêu biểu toàn quốc năm 2011 như: VĐV Phan Thị Hà Thanh, Trương Thanh Hằng, Đỗ Ngân Thương, Dương Thị Việt Anh, Chu Hoàng Diệu Linh, VĐV Khuyết Tật Châu Hoàng Tuyết Loan, Nguyễn Thị Hải; nữ HLV tiêu biểu toàn quốc có các chị Đỗ Thùy Giang, Hồ Thị Từ Tâm, Nguyễn Thị Nhung... Họ chính là những gương mặt phụ nữ tiêu biểu nhất, đã và đang nỗ lực hết mình góp phần vào sự nghiệp phát triển TDTT của nước nhà.
|
Bà Đỗ Thị Mai Xuân - Trưởng Ban nữ công Công đoàn Tổng cục TDTT,
Phó vụ trưởng Vụ tài Chính - Tổng cục TDTT (Ảnh: Y Trang ) |
Trong những năm qua, sự phát triển của Thể thao Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của phái nữ. Vậy theo bà, vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực TDTT là gì?
Trước hết chúng ta thừa nhận vị trí vô cùng quan trọng của người phụ nữ trong gia đình, đó là người giữ gìn hạnh phúc và ổn định cuộc sống. Trong thời đại ngày nay, ngoài vai trò nội tướng trong gia đình, chị em còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tham gia vào quá trình hội nhập và phát triển của đất nước. Trong sự nghiệp phát triển ngành TDTT, phái nữ đóng góp sức lực không nhỏ vào công việc chung . Chị em hoạt động trong lĩnh vực quản lý nhà nước cũng như hoạt động trong các đơn vị sự nghiệp đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao, luôn có tinh thần học hỏi cầu tiến. Một số chị em sắp xếp công việc gia đình, công tác chuyên môn hợp lý để tham gia học các lớp nâng cao nghiệp vụ, chương trình cao học, ngoại ngữ... vào buổi tối, ngoài giờ học, ngày nghỉ, nhằm phục vụ công tác được tốt hơn đồng thời tạo cơ sở để cầu thị tiến bộ. Đặc biệt, trong lĩnh vực hoạt động Thể thao, các nữ VĐV, HLV luôn đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần vào thành tích chung khi tham gia các kỳ Đại hội trong nước, khu vực và quốc tế. Chẳng hạn như năm 2011 vừa qua, tại Đại hội Thể thao các nước khu vực Đông Nam Á (SEA Games 26) các nữ VĐV của chúng ta đã giành được nhiều huy chương các loại, trong đó phải kể đến số HCV mà các nữ VĐV đã giành được với 44/96 HCV.
Nổi bật nhất trong kỳ Đại hội này là bộ môn Thể dục với 11 HCV thì nữ chiếm tới 6 HCV trong đó VĐV Phan Thị Hà Thanh đạt 4 HCV các nội dung: Toàn năng nữ, Xà kép, Thể dục tự do và Nhảy ngựa; VĐV Đỗ Thị Ngân Thương với 2 tấm HCV môn Xà lệch và Cầu thăng bằng; hay như VĐV Lê Thị Bích Phương môn Karatedo HCV hạng dưới 55kg, VĐV Điền kinh Trương Thanh Hằng vẫn tiếp tục tỏa sáng với 2 HCV 1500m và 800m. Trong thi đấu tinh thần tập thể được các nữ VĐV thực hiện rất tốt và có kỷ luật cao, do đó đã đạt được nhiều HCV đồng đội trong các môn Cờ, Kiếm, Lặn, Rowing.
Không chỉ dừng lại ở đó, tại Para Games 6 các nữ VĐV khuyết tật mặc dù họ có hoàn cảnh kém may mắn nhưng đã nỗ lực vượt lên chính mình trong tập luyện và thi đấu, các nữ VĐV đã đóng góp vào thành tích chung toàn đoàn với nhiều huy chương các loại, trong đó, 12 nữ VĐV đạt 18/44 HCV (có 4 VĐV đạt từ 2 đến 3 HCV) nổi bật là VĐV Nguyễn Thị Hải, cô dược sĩ sinh năm Ất Sửu đạt 3 HCV môn Ném đĩa, Phóng lao và Đẩy tạ; VĐV Trịnh Thị Bích Như (50m bơi ngửa) đã phá kỷ lục tại Para Games 2 năm 2003.
Để đạt được những thành tích này, bản thân mỗi nữ cán bộ công chức, viên chức cũng như các nữ VĐV, HLV đều đã nỗ lực phấn đấu, không ngại khó, ngại khổ với tinh thần cầu thị, ý chí vươn lên dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, có lòng tự tôn dân tộc khi đứng trước bạn bè thế giới. Hơn thế, đó là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ VH,TT&DL mà trực tiếp là Tổng cục TDTT đã luôn tạo điều kiện tốt nhất để các cán bộ công chức, viên chức, HLV, VĐV được học hỏi và nâng cao trình độ chuyên môn...
Tôi cho rằng, Phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực TDTT luôn chiếm giữ vai trò vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong mỗi công việc và sự phát triển của toàn ngành. Dù ở hoàn cảnh nào họ luôn là những bông hoa đẹp và toả sáng trong vườn hoa đa màu sắc của gia đình và xã hội. Họ là những nhân tố không thể thiếu trong những bảng vàng thành tích mang vinh quang về cho Tổ quốc ở mỗi sân chơi Thể thao trong nước và quốc tế.
Vậy nên chăng vì sự phát triển của phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực TDTT, ngành TDTT cần có một cơ chế hợp lý hơn dành cho phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực này, bà nghĩ gì về điều này?
Đây là vấn đề rất cần được quan tâm, thực tế, đã có không ít các nhà lãnh đạo ngành TDTT trăn trở về vấn đề này. Với tính chất của Thể thao, đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp khi sung sức nhất, cũng chỉ có thể duy trì thêm một số năm nữa là phải chuyển sang môi trường làm việc khác hoặc giải nghệ. Các VĐV tham gia thi đấu Thể thao đỉnh cao phải tập luyện từ khi còn rất nhỏ, từ lúc học phổ thông, khi chọn lên các đội tuyển tiếp tục tập luyện và tham gia thi đấu thì việc học văn hóa, học nghề bị ảnh hưởng rất nhiều, hầu như không có thời gian để học tập.
Do vậy, cơ hội có một nghề để sinh sống, có chứng chỉ, bằng cấp để tham gia các công tác khác trong xã hội sau khi hết khả năng tập luyện và thi đấu trở về đại phương là cả một vấn đề nan giải.
Từ trước đến nay, ngành TDTT vẫn duy trì thực hiện chế độ đãi ngộ đối với VĐV đạt thành tích cao, thành tích đặc biệt xuất sắc (giành nhiều HCV, đạt cấp kiện tướng trở lên) được hưởng chế độ ưu tiên trong dự thi hoặc tuyển thẳng vào đại học chuyên ngành TDTT. Thực tế đã có nhiều em sau khi học xong chương trình đại học, lại tiếp tục thi cao học, nghiên cứu sinh. Và không ít trong số đó có được việc làm ổn định và nắm giữ những vị trí quan trọng trong ngành.
Để tạo điều kiện cho các em VĐV sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại các đội tuyển quốc gia trở về địa phương, ngành TDTT tiếp tục đề xuất, kiến nghị Chính phủ có cơ chế đãi ngộ, hỗ trợ kinh phí học nghề, tìm công ăn việc làm cho VĐV để họ có thể ổn định cuộc sống. Các VĐV (không đạt thành tích cao) có nhu cầu học tập trong các cơ sở đào tạo chính quy công lập như Trường Đại học, Cao đẳng nghề, Trung cấp... cũng nên có cơ chế ưu tiên đặc biệt trong thi tuyển.
Cùng với giới phụ nữ cả nước, nữ cán bộ công chức, viên chức của toàn ngành cũng như nữ VĐV, HLV rất mong đợi việc cải cách thể chế nhằm tạo lập quyền và cơ hội bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới hiện nay, việc cải cách mang tính pháp lý sẽ tăng cường bình đẳng giới rõ nét thông qua các luật như: Luật hôn nhân - gia đình, luật chống bạo hành, bạo lực; luật lao động; quyền chính trị...
Lãnh đạo ngành TDTT cần tạo nhiều cơ hội hơn nữa cho nữ cán bộ công chức, viên chức được tham gia vào các hoạt động chung của Đảng cũng như Chính quyền; tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để tăng hiệu quả khai thác nguồn thu trong các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; nữ công chức hoạt động trong khối quản lý nhà nước thực hiện nghiêm túc quy chế chi tiêu nội bộ do đơn vị quy định, thực hành tiết kiệm chi tiêu để có thể cân đối tăng thu nhập hàng tháng. Tạo điều kiện và khuyến khích việc học tập của cán bộ nữ, giúp họ nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và vị thế công tác. Phân công lao động hợp lý, để phụ nữ có nhiều thời gian chăm sóc nuôi dạy con cái, gìn giữ hạnh phúc gia đình; tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội giao lưu, hợp tác, vừa phù hợp với xu thế của thời đại vừa có dịp mở mang hiểu biết, trao đổi kinh nghiệm với bạn bè trong nước cũng như bạn bè quốc tế.
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!
N. Hương ghi