|
Hy vọng chiếc huy chương có được từ niềm tin và nghị lực phi thường sẽ mở hàng thuận lợi cho Điền kinh VN tại SEA Games 27 (Ảnh: A.T) |
Điều đáng nói ở đây là cái tên Phạm Thị Bình không nằm trong danh sách các gương mặt Vàng của Điền kinh Việt Nam như: Vũ Thị Hương, Quách Thị Lan, Vũ Văn Huyện, Nguyễn Thị Oanh, nhưng cô đã làm nên kỳ tích, đó là một chiếc HCV quý giá cho Điền kinh Việt Nam. Tấm HCV của Bình đã phần nào giải tỏa tâm lý cho Điền kinh Việt Nam đang trong cơn khát vàng sau khi không thành công ở 4 nội dung thi đấu trong ngày hôm qua. Chiếc HCV của Phạm Thị Bình sẽ là đòn bẩy tinh thần cho các đồng đội của mình trong các trận chung kết chiều tối nay.
Đối với riêng Phạm Thị Bình thì đây là chiếc huy chương của ý chí và nghị lực phi thường. Không bỏ cuộc khi bị bệnh tim bẩm sinh, Phạm Thị Bình đã chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo, chinh phục tấm HCV marathon tại SEA Games 27. Đối với Bình, chiếc huy chương ngày hôm nay vô cùng quý giá, bởi VĐV tham dự nội dung này không chỉ sở hữu ý chí, nghị lực tuyệt vời mà còn phải có thể lực rất tốt.
Bình cho biết: “Em đã phải nỗ lực rất nhiều, đôi lúc em đã muốn bỏ cuộc nhưng với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, sự động viên tận tình của thầy mà em đã được phẫu thuật thành công. Có thể chiến thắng hôm nay là phần thưởng cho riêng Bình và cũng là lời tri ân của cô đối với những người đã luôn theo sát, động viên tinh thần trong thời điểm gian khó nhất của VĐV này.
Vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, Bình trở lại mạnh mẽ trên đường đua. Tại nội dung thi đấu hôm nay, Phạm Thị Bình đã phải nỗ lực hết sức để vượt qua 2 VĐV khác của chủ nhà Myanmar. Bình đã biết phân phối sức hợp lý, kiểm soát đối thủ tốt trước khi bung sức ở thời điểm quyết định để mang niềm vui khôn siết đến với các thành viên tuyển Điền kinh Việt Nam có mặt tại đích đến.
Thêm một điều ngạc nhiên về cô gái với tới chiếc HCV bằng đôi chân trần chai sần theo năm tháng. Bình không quen đi giày khi tập luyện cũng như thi đấu. Theo Bình, việc đi giày sẽ làm giảm thành tích của mình hơn thế nữa đường chạy bê tông khá bằng phẳng, mịn màng ở Myanmar vẫn là điều kiện lý tưởng với đôi chân trần của cô.
Nói về thói quen khá lạ lùng của cô gái 24 tuổi người Quảng Bình này, HLV trưởng môn điền kinh Dương Đức Thủy cho biết: “Dưới góc độ chuyên môn, tôi vẫn muốn Bình tập mang giày bởi mỗi cuộc thi đấu có điều kiện địa hình khác nhau và không phải giải nào cũng thích hợp với người đi chân trần”.
Để có được chiến thắng hôm nay, mỗi ngày Phạm Thị Bình phải chạy ít nhất 40 km tập luyện. Một nỗ lực tuyệt vời mà với cô gái vừa thoát bệnh tim bẩm sinh đã có đứng lên đỉnh Đông Nam Á ở nội dung dài nhất, khó khăn nhất trên đường chạy Điền kinh.
A.T (từ Nay Pyi Taw)