Tại Ðại hội Thể thao người khuyết tật châu Á (ASIAN PARA GAMES 2010) vừa tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc), VÐV Phạm Ðức Trung đã xuất sắc giành tấm HCV môn cầu lông (nội dung đơn nam đứng bại liệt một chân). "Chiến công" ấy, Phạm Ðức Trung muốn dành tặng cô con gái nhỏ sinh trước lễ Nô-en đúng một tháng mà anh hầu như không thể chăm sóc bởi tập trung vào tập luyện và thi đấu.
Không may bị di chứng bại liệt từ năm bốn tuổi, Phạm Ðức Trung bị liệt một chân. Di chuyển gặp nhiều khó khăn, nhưng từ bé, Trung đã có niềm đam mê với cầu lông. 'Ðến giờ tôi cũng chẳng nhớ mình tập cầu lông từ khi nào. Trong ký ức của tôi, từ ngày còn rất bé tôi đã thích môn thể thao này và đeo đuổi cho đến tận bây giờ' - Trung nhớ lại.
Ðam mê cầu lông, tập luyện và thi đấu phong trào đã lâu nhưng mãi đến năm 2003, khi Việt Nam chính thức đăng cai Ðại hội thể thao người khuyết tật (Para Games) sau SEA Games 22, Phạm Ðức Trung mới đăng ký thi đấu giải tiền Para Games cho đoàn Sơn La và giành HCB. Lọt vào tốp những VÐV hàng đầu của cầu lông người khuyết tật Việt Nam, anh được gọi tập huấn đội tuyển quốc gia và nhanh chóng gặt hái nhiều thành công trên các đấu trường quốc tế.
Ðược triệu tập vào ÐT Việt Nam dự Para Games 2005 ở Phi-li-pin, Phạm Ðức Trung đoạt HCÐ, tấm huy chương đầu tiên trong sự nghiệp thi đấu quốc tế của VÐV quê gốc Nam Ðịnh ấy. Một năm sau, cùng với VÐV Hoàng Phạm Thắng (cũng giành HCV ở ASIAN Para Games 2010) Phạm Ðức Trung đã giành HCB nội dung đôi nam tại Ðại hội thể thao người khuyết tật châu Á - Thái Bình Dương (diễn ra ở Ma-lai-xi-a). Nhờ tấm HCB này, Trung được Sở Thể dục - Thể thao Hà Nội mời về 'đầu quân' và kể từ năm 2006 anh chính thức thi đấu cho đoàn Hà Nội.
Trung tâm sự: 'Nhờ đầu quân cho Hà Nội, mỗi tháng tôi nhận được một khoản thu nhập để có thể giúp đỡ thêm cho gia đình. Như bây giờ, sau khi đã có một số Huy chương vàng Ðông - Nam Á và châu Á, tôi nhận được khoảng ba triệu đồng mỗi tháng'. Với số tiền này, Trung có thể đầu tư tốt hơn về chuyên môn cho cá nhân mình như mua vợt, cầu và các trang thiết bị phục vụ tập luyện hằng tháng. Chỉ phải xuống Hà Nội tập trung trước mỗi giải đấu lớn, song để giữ phong độ, anh vẫn tích cực tập luyện ở các sân cầu lông quanh khu vực huyện Yên Châu tỉnh Sơn La. Mặc dù chỉ có điều kiện tự tập là chính, nhưng với quyết tâm và năng khiếu cá nhân, Trung đều đặn 'bổ sung' vào bộ sưu tập những tấm HCV ở các kỳ Para Games 2007 (Thái-lan), 2008 (Ma-lai-xi-a).
TRONG lúc Phạm Ðức Trung xuống Hà Nội tập huấn chuẩn bị tham dự Asian Para Games thì ở nhà vợ anh sinh cháu gái thứ hai. Giáng sinh năm 2010 này, cô con gái của Ðức Trung đầy tháng nhưng chỉ sau khi kết thúc thi đấu tại Quảng Châu về nước anh mới có dịp gần con, trước đó mọi công việc đành nhờ cậy bà nội, bà ngoại.
Nhớ con nhưng Phạm Ðức Trung vẫn quyết tâm vào tập huấn và thi đấu. Thi đấu hạng BMSTL2 (VÐV bị liệt một chân), Trung thắng nhanh VÐV người Ấn Ðộ R. Sa-mu-đra-la với tỷ số 21-10, 21-7 ở vòng 16. Vào tứ kết, anh cũng vượt qua đối thủ đến từ Ðài Loan (Trung Quốc) là Huang Hsing 2-0 (21-13, 21-9) sau nửa giờ thi đấu. Ở bán kết, Trung gặp đối thủ đến từ Ma-lai-xi-a tên là Loi Li. Giống như những trận đấu trước đó, Trung giành thắng lợi dễ dàng 21-9 và 21-10. Ðến trận chung kết, Trung mới gặp đối thủ thật sự là Ðuy-i-ô-cô (In-đô-nê-xi-a). Dẫn séc đầu 21-12, Trung mất tập trung ở séc thi đấu thứ hai và thua lại sát nút 20-22. Ở séc đấu quyết định, Trung tung sức, hạ đối thủ với tỷ số 21-9 để bước lên ngôi vô địch.
Sau thi đấu, trở lại với công việc thường ngày tại cửa hàng bán đồ thể thao nhỏ ở Yên Châu (Sơn La), nhìn ngôi nhà mái ngói cũ kỹ Ðức Trung hy vọng số tiền thưởng của Tổng cục TDTT sẽ giúp anh đổ được mái bằng cho tổ ấm. Nhìn cô 'công chúa' nhỏ, anh ân cần: 'Bây giờ tôi mới có điều kiện gần gũi và chăm sóc con gái mình'.
theo nhandan.com.vn