Đây là thành quả thật ngọt ngào dành cho chủ công số 1 này sau hành trình vượt lên thử thách tưởng như bó tay với môn này: chân ngắn, chiều cao thấp. Là đội trưởng của cả ĐTQG lẫn CLB Thông tin mạnh nhất nước song chị điển hình cho một ngôi sao thầm lặng.
TRƯỜNG HỢP NGOẠI LỆ CỦA QUÂN ĐỘI
Từ nhiều tháng trước, các đội bóng hàng đầu Thái Lan đã xúc tiến việc mời các tuyển thủ bóng chuyền nữ hàng đầu của Việt Nam sang đầu quân thông qua cầu nối là Liên đoàn bóng chuyền nước này, với ba cái tên được nhắm sẵn cho các vị trí gồm Ngọc Hoa (phụ công) đầu quân cho CLB Ayutthaya; Nguyễn Thị Kim Liên (libero) và Đỗ Thị Minh (chủ công) khoác áo CLB Idea KhunKaen- ĐKVĐQG Thái Lan.
Xét về chuyên môn, Minh hoàn toàn xứng đáng với sự chọn mặt gửi vàng, đơn giản vì chị đang là chủ công số 1. Tuy nhiên, khác hẳn với hai người đồng đội của đội Long An, chuyện xuất ngoại của Minh vấp phải một trở ngại cực lớn do chị đang là một Thượng uý quân đội. Trước đây, cũng chỉ bởi vướng mắc này nên Kim Huệ đã từng vài lần mất cơ hội tương tự.
Chính thế nên khi nhận được lời mời, Minh cùng HLV của mình đã rất băn khoăn, thậm chí xin nhường lại cho người khác. Tuy nhiên, phía đối tác đã trả lời thẳng "nếu không phải là Minh sẽ không chọn ai khác". Từ đó, Minh mới tiến hành các thủ tục xin ra nước ngoài thi đấu vốn vô cùng chặt chẽ, và đáng nói hơn chưa từng có tiền lệ.
Rất may, chị đã nhận được sự tạo điều kiện, ủng hộ nhiệt tình của những người có trách nhiệm để rồi sau một thời gian cân nhắc, Bộ Tư lệnh Thông tin và Bộ Quốc Phòng đã đồng ý.
Ngay đầu tháng 1, Đỗ Thị Minh đã lên đường sang Thái Lan. Ngoài giá trị của một cuộc tập dượt, cọ xát nâng tầm, chủ công 26 tuổi mặc áo lính này còn được nhận mức lương "cứng" trên 3.000 USD/tháng trong 3 tháng tranh tài tại đây, cũng như được đài thọ toàn bộ kinh phí di chuyển, ăn ở, tiêu vặt.
Không chỉ là 3 ngôi sao mở đường cho bóng chuyền nữ Việt Nam, chuyến xuất ngoại của Minh còn là một cột mốc cho cả thể thao quân đội với tư cách quân nhân sĩ quan đầu tiên ra nước ngoài đấu thuê theo đúng mô hình chuyên nghiệp.
TỪNG SUÝT BỊ LOẠI VÌ THIẾU... CHIỀU CAO
Ít ai biết, Đỗ Thị Minh chính là chủ công vào loại thấp nhất của các lứa ĐTQG nữ lâu nay, chỉ với 1m73, một mức dưới chuẩn xa của ngay bóng chuyền Việt Nam chứ chưa nói đến quốc tế. Chính vì thế nên khi cô bé 14 tuổi quê Hà Nam lặn lội lên Hà Nội ứng tuyển vào "nôi" Thông tin đã bị lắc đầu ngay bởi thiếu tới 3cm so với định mức tối thiểu 1m65 của tuyến trẻ.
Các nhà tuyển trạch còn ngán ngẩm hơn bởi chân cô cũng rất ngắn, lại càng không tương xứng với cân nặng, có nghĩa là theo dự báo bình thường chị sẽ không phát triển được chiều cao. Tưởng như bị loại chắc, song thật may mắn cho Minh khi một HLV đã đặc biệt chú ý tới một đặc điểm dị thường của thiếu nữ này: sải tay rất dài, nhất là đối sánh với các chỉ số của lưng, chân. Nhờ thế, Minh được tạm giữ lại để hậu xét xem thế nào.
Và chỉ trong nửa năm thử việc quyết định ấy, Minh đã chứng tỏ mình một cách khó tin để nhận suất đặc cách, nhờ ý chí rèn tập phi thường. Chiều cao vẫn thuộc diện chậm tiến nhất, song các chỉ số khác của tài năng trẻ này lại luôn vượt trôi trong trang lứa của mình, đặc biệt tầm bóng và sức bật.
Mất đúng 3 năm, giữa một rừng các ứng viên, chủ công tuổi 17 đã "chen" được vào đội hình chính của CLB ngành Thông tin quân đội. Thêm một năm nữa, chị thẳng tiến vào ĐTQG.
Chỉ cao có 1m73 song tầm bật của Minh đạt tới 2m95 - điều mà chỉ đàn chị Bùi Huệ sánh được. Đồng thời sải tay dài, với cái cổ tay khoẻ và khéo đã giúp chị mỗi lần vung tay lên đập như thể cánh cung găm thẳng bóng xuống phần sân đối phương.
Suốt 5 năm nay, Đỗ Thị Minh đã luôn là một trong số vài chủ công hay nhất nước, và giờ đây thực sự là số 1. Tại bất cứ giải đấu nào của CLB cũng như ĐTQG, Minh luôn đóng vai một "máy ghi điểm". Trận nào ít cũng góp 15 điểm, còn nhiều lên tới 25-30 điểm. Hy vọng sau chuyến xuất ngoại lịch sử này, Đỗ Thị Minh sẽ tiến bộ hơn nữa để đóng góp cho thành tích của bóng chuyền Việt Nam trên trường quốc tế.
Tổng hợp