Đối với các môn thể thao, hầu hết khán giả khi đến xem và cổ vũ đều ngồi trên khán đài của sân vận động hoặc các nhà thi đấu. Nhưng với môn Cờ tướng nói riêng và bộ môn Cờ nói chung, đặc thù thưởng ngoạn các giải đấu lại không “rập khuôn” như vậy. Thường thì trong các giải đấu Cờ, nếu Ban tổ chức (BTC) giải không tính tới việc phục vụ khán giả đến xem và cổ vũ, sẽ dẫn đến cảnh người hâm mộ gây mất trật tự quanh khu vực thi đấu. Những năm trước đây, ở các giải cờ phong trào đều xảy ra tiền lệ người xem “quấy rối” các kỳ thủ bằng nhiều hình thức: tụ tập, vây quanh sát các bàn thi đấu, sử dụng chuông điện thoại, sử dụng máy vi tính xách tay trong khán phòng. Nhiều người còn vô tư chỉ trỏ và bình luận các ván thi đấu ngay trước mặt VĐV và tổ trọng tải. Nếu BTC giải tiến hành nhắc nhở thì họ bỏ bàn này di chuyển sang bàn khác.
|
Bàn cờ có kích thước lớn sẽ góp phần thoả mãn nhu cầu của người xem(Ảnh: TTrúc) |
Trước thực trạng trên, đồng thời nhằm phục vụ số lượng đông đảo khán giả đến xem và cổ vũ cho các giải Cờ tướng, năm 2005, Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn đã tự sản xuất một bàn cờ lớn, với kích thước 2 x 2 mét, được làm bằng chất liệu gỗ hương. Chỉ tính riêng chiếc bàn cờ này đã “ngốn” sạch kinh phí 1 triệu đồng được dự trù trước đó. Và để cho ra lò một bàn cờ mang “thương hiệu” của chính mình, “họa sĩ” và cán bộ của Trung tâm đã tự tay làm 32 quân cờ bằng những chiếc đĩa nhựa, sau đó cắt decal theo hình các quân cờ rồi dán lên mặt đĩa, phía dưới đáy của chiếc đĩa có gắn miếng đệm dính để móc lên trên bàn cờ.
Nếu có dịp xem các giải Cờ tướng do Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn tổ chức, khán giả sẽ cảm thấy ngạc nhiên và thú vị về chiếc bàn cờ khổ lớn này. Bên trong phòng thi đấu, các VĐV đối đầu trực tiếp trên bàn cờ. BTC giải sẽ chọn ra một trận đấu hay nhất và “ghi hình” lại bên ngoài cho khán giả xem thông qua chiếc bàn cờ lớn. Để phục vụ cho bàn cờ bên ngoài, sẽ có một “phát thanh viên” ngồi tại bàn cờ trong phòng thi đấu, đọc qua hệ thống loa phóng thanh từng nước cờ, ở bên ngoài có hai người ngồi cạnh bàn cờ lớn di chuyển quân cờ theo nước đánh của VĐV. “Đỏ pháo B8 bình B1, xanh pháo C8 bình C1” - âm thanh ấy từ “phát thanh viên” cứ văng vẳng vang lên khiến người xem thấy quá đỗi thú vị.
Thông thường tại các giải đấu, chiếc bàn cờ “vĩ đại” này đặt tại tiền sảnh của Nhà thiếu nhi Quy Nhơn - nơi tổ chức các giải cờ tướng của thành phố. Tuy nhiên, nếu thời tiết bất thường, bàn cờ này sẽ được di chuyển vào phía trong của Nhà thiếu Nhi Quy Nhơn. Ông Hà Văn Hùng, Trưởng bộ phận TDTT - Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn cho biết: “Trước đây chúng tôi có ý định làm bàn cờ người (tức là dùng người thật làm quân cờ) nhưng dự kiến này chưa khả thi vì không đủ kinh phí. Bàn cờ lớn này có nhiều lợi thế, vì khi dùng đánh theo hệ Thụy Sỹ, nó sẽ xác định năng lực và thành tích của VĐV chính xác, rõ ràng hơn”.
Đây là một mô hình rất hay mà các địa phương cần học tập để áp dụng khi tổ chức những giải Cờ tướng phong trào. Ngoài việc ngăn chặn tình trạng khán giả tràn vào phòng thi đấu, việc dùng các bàn cờ có diện tích lớn còn phục vụ đắc lực nhu cầu đến xem và cổ vũ của đông đảo người dân .
Thiên Trúc