Trong đề án phát triển thương mại điện tử (TMĐT) VN giai đoạn 2006-2010 của Bộ Thương mại, doanh nghiệp đóng vai trò trọng tâm. Song theo các chuyên gia, hướng giải quyết vấn đề của kế hoạch tổng thể này vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Lê Danh Vĩnh, chắc chắn doanh nghiệp phải là lực lượng nòng cốt bởi đó là một trong 3 đối tượng chính tham gia giao dịch TMĐT (doanh nghiệp, chính phủ và người tiêu dùng). Trong đó, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) là quan trọng nhất. Thực tiễn trên thế giới, loại giao dịch B2B chiếm tới gần 60%.
"Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, trong kế hoạch của 5 năm tới, tôi chưa thấy có hành động cụ thể nào nhằm đưa doanh nghiệp lên làm đầu tàu", ông Nguyễn Chí Công, Tổ trưởng tổ chuyên môn Ban điều hành Đề án 112, bình luận. "Trong khi đó, đề án này lại đưa ra vấn đề có vẻ như rất thừa là giáo dục ý thức cho doanh nghiệp. Theo tôi, các doanh nghiệp hiện nay rất năng động. Việc tuyên truyền chỉ có ý nghĩa với giới quan chức, lãnh đạo mà thôi".
Ông Dương Anh Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VNet, cũng đồng tình: "Bản thân tôi đã có thời gian dài làm về TMĐT và đào tạo TMĐT cho nhiều doanh nghiệp và tôi thấy nhận thức của họ rất tốt. Nếu có chính sách phù hợp và đúng đắn như giảm thuế chẳng hạn thì nhà nước không cần đầu tư nhiều tiền, chính doanh nghiệp sẽ tự xuất vốn”.
Ông Đức cũng cho biết mặc dù trong đánh giá môi trường chung chỉ trị giá 15%, hạ tầng pháp lý chính là nhân tố kéo theo 25% sự hào hứng tham gia của doanh nghiệp, dân chúng và giải quyết được 25% giá trị của môi trường kinh doanh. Vì thế mà vấn đề cần giải quyết là hạ tầng pháp lý và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, hiện nay chi phí cho dịch vụ Internet tại VN quá đắt. ADSL thì tốt nhưng tỷ lệ người sử dụng chỉ dưới 8%. “Con số đó quá nhỏ bé so với hơn 70% của Hàn Quốc. Vậy thì doanh nghiệp đến với TMĐT để làm gì khi mà những người tham gia môi trường mạng quá ít như vậy”, người đứng đầu sàn giao dịch TMĐT vnet.com.vn, bày tỏ.
Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT trong 5 năm tới đề ra 4 mục tiêu cơ bản bao gồm 70% các doanh nghiệp lớn tiến hành giao dịch B2B và ứng dụng TMĐT ở mức cao; 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ biết đến lợi ích của TMĐT và có ứng dụng nhất định; 15% hộ gia đình, cá nhân có thói quen mua sắm qua mạng (B2C); 30% mua sắm chính phủ được tiến hành trên mạng (B2G).
“Tôi tán thành những con số mà Bộ Thương mại đề ra. Tuy nhiên, đặt mục tiêu như vậy rất khó xác định hiệu quả kinh tế và có vẻ như mâu thuẫn với thời gian giới hạn trong 5 năm”, ông Nguyễn Chí Công bày tỏ. “Để thực hiện được điều đó chúng ta không chỉ cần môi trường pháp lý đầy đủ mà còn phải có các văn bản dưới luật nữa”.
Thứ trưởng Bộ Thương mại khẳng định: “Chúng tôi đưa ra các con số % là mang tính chất dự báo và định hướng. Còn doanh nghiệp, các bộ, ngành phải tự đạt được. Nếu thực hiện không thành công thì cần xem xét lại những cản trở về cơ chế chính sách để tự điều chỉnh”.
(Theo www.vnexpress.net)