11 năm ý chí cho một chiến thắng
Thanh đến với cầu mây từ đầu năm 1997 khi "lọt" vào mắt thầy Hà Khả Luân trong một lần đi khảo sát chọn đội tuyển. Từ cô gái chơi cầu trinh khó tìm sức vươn, Thanh đã may mắn được chọn ngay vào đội tuyển và xuất quân ngay 3 tháng sau đó với giải King Cup - giải cầu mây truyền thống tại Thái Lan. Lần đạt Huy chương đồng đó chính là một động lực tiếp sức Thanh và đồng đội vững vàng hơn trong các trận chiến sau này.
Nhưng may mắn chỉ là một phần rất nhỏ trong chiến thắng của đội tuyển cầu mây nữ nói chúng và Thanh nói riêng trong Sea Games vừa rồi. Cô gái xứ Thanh đã phải dồn công sức 10 năm gian khổ với tư cách là một vận động viên đồng thời là một đội trưởng luôn làm nền cho sức mạnh, ý chí và sự đoàn kết cho sự thành công của đội tuyển cầu mây nữ. Thành quả 1 HCV, 5 HCB, 1 HCĐ trong 4 lần tham dự Sea Games và 2 HCV, 3 HCB, 4 HCĐ trong 3 lần tham dự Asiad là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực và sự "vượt rào" đầy khó khăn trước một môn thi đấu không phải là truyền thống của Việt Nam.
Chiến thắng đầy tự hào này được khẳng định bằng một ý chí: "Ở Sea Games 2005 tại Philippine, Việt Nam để thua Thái Lan. Đó là một bàn thua không đáng. Đồng đội em có một đợt tập huấn cao và cọ sát với U14, 15 tại Thái Lan nên cả đội dày dạn hơn, tự tin hơn và niềm tin nuôi lớn hơn. Em nhìn thấy điều đó nên em tự tin là VN sẽ đổi màu huy chương". Và cuối cùng mong ước đổi màu huy chương của cầu mây Việt Nam đã thành sự thật.
Thanh tâm sự: "Chơi cầu mây quan trọng là sự kiên trì, độ nhạy bén và phải đam mê. Làm quen với quả cầu mây rất khó nên dễ bị nản. Nếu không vượt qua cái nản đó thì không thể đến với môn thể thao này. Quả cầu đá khó, nếu không đá được vào tâm của quả cầu thì chẳng thể làm gì được với nó. Để đá một quả đẹp phải mất 3, 4 năm mới đá được. Quan trọng nữa là sự ăn ý và hiểu nhau trong thi đấu. Với đà phát triển thế này thì em nghĩ các em sẽ có nhiều triển vọng".
Cầu mây có vị thế chưa cao bằng các môn cầu lông, bóng bàn... vì khó chơi hơn và ít được phổ biến trong giới thanh thiếu nhiên. Tuy nhiên, sau Asiad 2006, cầu mây Việt Nam đang có đà để phát triển rất tốt. Ước mơ có một trường đào tạo cầu mây riêng không chỉ nằm trong suy nghĩ của Thanh mà còn của rất nhiều người tâm huyết với môn thể thao này. Khi đó việc cạnh tranh vị trí giữa các vận động viên đỉnh cao cho phép chắt lọc ra những vận động viên tốt nhất. Chúng ta sẽ là một nước không kém Thái Lan, sẽ sánh ngang với Thái Lan.
Đã đến lúc nghĩ đến thiên chức của mình
Việc mới đây cô gái Vàng cầu mây Lưu Thị Thanh xin nghỉ thi đấu làm xáo trộn trong đội cũng như trong lòng khán giả. Thiếu một đội trưởng quyết đoán và dày dạn kinh nghiệm làm cho đội cầu mây phải sắp xếp lại đội hình và thay đổi một số chiến thuật. Thanh vẫn đang cố gắng truyền đạt lại những kinh nghiệm thi đấu 11 năm của mình cho đàn em, nhưng sự chia tay đột ngột của cô vẫn cầu mây Việt Nam cũng có phần hụt hẫng.
Ngay khi mới nghỉ, Thanh cũng nhận được một lời mời làm huấn luyện viên cho đội, nhưng theo Thanh: "Dù làm huấn luyện viên hay vận động viên thì công sức và việc thường xuyên phải xa nhà là như nhau. Nên em quyết định nghỉ để không phải đi xa chồng."
Trong tâm niệm của Thanh "gia đình là nền tảng quan trọng". Thanh cố gắng trong thời gian 2 năm làm trọn nghĩa vụ của một người con dâu, người vợ, người mẹ để có thể tiếp tục theo cầu mây như một nghiệp đã vận vào cuộc sống mình.
Sau thể thao Thanh lại quay về với vai trò một người phụ nữ. Trong tương lai cùng với việc học năm cuối tại Trường Đại học Thể dục thể thao, Thanh đang phấn đấu trở thành một giảng viên. Một bước đi căn bản mà cô đã suy tính tròn vuông trong sự nghiệp thể thao của mình.
Thiên Lam
Việt Báo (Theo_VnMedia)