Từ nguyên nhân... đến giải pháp
Nguyên nhân chính dẫn đến những quyết định xử lý còn gây nên tranh cãi không đáng có giữa những nhà chức trách có thẩm quyền với các đối tượng chịu sự quản lý và điều hành là sự vận dụng các quy tắc xử sự theo điều lệ và theo những quy định của luật pháp còn thiếu đồng bộ thống nhất. Có thể dẫn ra ví dụ cụ thể: Đồng nhất hay phân biệt sự khác nhau giữa “Cổ động viên” (CĐV) là thành viên của Hội hoặc CLB CĐV của một CLB Bóng đá nào đó được tổ chức đến để cổ vũ cho đội nhà thi đấu với người hâm mộ (khán giả) tự mua vé đến xem và cổ vũ cho cho CLB ấy thi đấu là vấn đề vô cùng quan trọng đối với các nhà tổ chức các giải đấu, trận đấu.
|
Việc "phân biệt" rõ ràng khán giả và CLB CĐV
trong quản lý việc cổ vũ thi đấu Bóng đá là một ý kiến khả quan (Ảnh: Thế Thiện) |
Bởi nếu đồng nhất thì BTC sẽ đối xử với thành viên của Hội hay CLB CĐV của một CLB Bóng đá nào đó đến để xem và cổ vũ cho đội Bóng của CLB thi đấu cũng giống như những khán giả tự do là có thể bán vé cho họ ngồi bất cứ chỗ nào nếu họ muốn; còn nếu phân biệt thì sẽ xử sự khác, đó là những người là thành viên của Hội hay CLB CĐV của CLB Bóng đá nào đó thì BTC bán vé và bố trí chỗ ngồi cho họ ở một khu vực tập trung nhất định dành cho CĐV mỗi đội để dễ giám sát quản lý, những khán giả hâm mộ khác thì sẽ được mua vé vào xem và cổ vũ ở những khu vực chỗ ngồi theo yêu cầu của họ và khả năng cung cấp của nhà tổ chức, mà không phải ngồi tập trung vào một nơi nhất định.
Việc phân biệt “Cổ động viên” với khán giả là người hâm mộ phải căn cứ vào danh sách đăng ký CĐV của CLB Bóng đá với BTC sân đấu chứ không căn cứ vào cách ăn mặc và hình thức cổ vũ của họ. Vì vậy, nếu phân biệt được sẽ thấy trách nhiệm và quyền lợi của hai đối tượng này hoàn toàn khác nhau tuy có cùng sở thích vào sân để cùng xem cổ vũ cho một đội bóng nào đó. Phân biệt được như vậy thì rõ ràng nhà tổ chức sẽ dễ dàng quản lý được CĐV của từng đội bóng thi đấu trên sân. Trong trường hợp nếu xảy ra hiện tượng có những hành vi quá khích trên sân cũng dễ dàng xác định được đối tượng để xử lý tiếp theo. Thành viên của Hội hay CLB CĐV của một CLB Bóng đá nào đó phải có danh sách được CLB Bóng đá đó xác nhận mới được mua vé vào khu vực dành cho CĐV được BTC bố trí và đương nhiên nếu để xảy ra mất an ninh trật tự, không tuân thủ những quy định của BTC giải đấu từ những người này thì ngoài việc các cá nhân này bị xử lý theo pháp luật, CLB Bóng đá đó phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của Điều lệ giải.
Nếu sự cố xảy ra từ những người “mượn danh” của CLB (có thể họ ăn mặc và cổ vũ giống các CĐV) mà không có tên trong danh sách CĐV của Hội hay CLB CĐV, hoặc không có tên trong danh sách đăng ký mua vé cho CĐV của CLB Bóng đá thì xử lý cá nhân đó và không thể xử lý CLB Bóng đá mà họ mượn danh theo Điều lệ, trường hợp này chỉ có thể xử lý BTC sân để xảy ra sự cố nếu các phương án an ninh trật tự không đảm bảo. Như vậy, để quản lý tốt các thành viên của Hội hay CLB CĐV của CLB Bóng đá, nhất thiết không đánh đồng “Khán giả” nói chung, “Người hâm mộ” nói riêng với “Cổ động viên” là thành viên của Hội hay CLB CĐV của CLB Bóng đá nào đó. Trách nhiệm của CLB Bóng đá với CĐV của mình phải được đề cao; quyền lợi, nghĩa vụ của CĐV được gắn chặt với trách nhiệm và lợi ích của CLB Bóng đá.
Việc thành lập Hội hay CLB CĐV là do nhu cầu của CLB Bóng đá và những người yêu thích CLB Bóng đá đó tự nguyện xây dựng tôn chỉ mục đích Điều lệ hoạt động trong khuôn khổ đồng thuận của lãnh đạo CLB Bóng đá đó, tổ chức này là một bộ phận không thể tách rời và chịu sự quản lý toàn diện của CLB Bóng đá, khi CLB Bóng đá không còn thì Hội hay CLB CĐV này cũng không còn nữa. Không có Hội CĐV nào tồn tại độc lập mà không gắn với một CLB thể thao nhất định.
|
Thành lập Hội hay CLB CĐV nên chăng cần được quản lý bởi những quy định chung
(Ảnh: Thế Thiện) |
Lời kết
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp về Bóng đá có trách nhiệm hướng dẫn các CLB Bóng đá chuyên nghiệp thành lập Hội hoặc CLB CĐV của mình. Hội hay CLB CĐV là một tổ chức tự nguyện chịu sự quản lý điều hành của CLB Bóng đá chuyên nghiệp, có nhiệm vụ tập hợp những người yêu thích tự nguyện tham gia các hoạt động của Hội. CLB Bóng đá chủ quản chịu trách nhiệm quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên của Hội hoạt động bảo đảm đúng pháp luật, thiết thực là chỗ dựa tinh thần cho các cầu thủ thi đấu. Bên cạnh việc tổ chức cho các CĐV cổ vũ một cách có văn hoá của các CLB và Liên đoàn Bóng đá Việt nam, các cơ quan quản lý nhà nước về TDTT cần đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật và tăng cường kiểm tra giám sát việc thực thi pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TDTT ngay tại các địa điểm tổ chức thi đấu thể thao nhất là ở trên SVĐ - nơi tổ chức các trận thi đấu Bóng đá.
Vũ Trọng Lợi