Chẳng còn bao lâu nữa, World Cup mùa hè 2006 (Đức) sẽ diễn ra, NHM Bóng đá trên toàn thế giới không những sẽ có giây phút sảng khoái, những câu chuyện thú vị để bàn luận xung quanh trái bóng tròn mà họ còn có thể kể cho người thân về một môn thể thao kỳ lạ, môn thể thao mới được người dân Đức sáng tạo nên, môn thể thao 2 trong 1 (Cờ vua kết hợp với Quyền anh - Chessboxing). Kể từ tháng 8/2005, giải Cờ vua - Quyền anh vô địch thế giới lần đầu tiên được ra mắt đã thu hút sự quan tâm, yêu thích của đông đảo người yêu thể thao nước Đức và dự đoán trong những năm tới sẽ lan rộng trên toàn thế giới.
Thoạt tiên, khi nghe tới môn Cờ vua - Quyền anh, NHM không khỏi thắc mắc, rằng tại sao lại có thể kết hợp 2 môn thể thao này khi mà giữa chúng không có nhiều nét tương đồng. Điều đó cũng hoàn toàn hợp lý bởi không giống với tuyệt đại đa số các môn thể thao khác, Cờ vua là môn thể thao tĩnh, không đòi hỏi sự vận động cơ bắp cao song hoạt động trí lực lại diễn ra mạnh mẽ. Quyền anh lại hoàn toàn trái ngược, hoạt động cơ bắp diễn ra từ đầu cho tới lúc kết thúc trận đấu.
Môn Cờ vua - Quyền anh hỗn hợp này cũng có điều lệ thi đấu riêng: Mỗi trận đấu kéo dài 11 hiệp, gồm 5 hiệp thi đấu Quyền anh và 6 hiệp đấu Cờ, trận đấu được khởi đầu bằng một ván cờ (thời gian 2 phút), kế tiếp là một hiệp Quyền anh (kéo dài 4 phút). Các võ sĩ khi đấu Cờ sẽ ngồi bên bàn cờ được ban tổ chức kê giữa võ đài. Như vậy, để chơi được môn thể thao này, các VĐV không những phải có sức khoẻ mà còn phải có trí tuệ.
Theo tin từ Hiệp hội Cờ vua - Quyền anh thế giới (WCBO), năm 2006 giải Cờ vua - Quyền anh vô địch thế giới sẽ được tổ chức quy mô hơn, giải thưởng cho nhà vô địch sẽ tăng lên 65.000 đô la, số lượng VĐV tham dự giải cũng nhiều hơn so với năm trước (năm 2005 có 158 VĐV đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ). Nét mới của giải năm nay là các VĐV sẽ được nghe nhạc không lời sau mỗi hiệp đấu, điều đó sẽ giúp các VĐV có thể nhanh chóng tĩnh tâm sau những hiệp thi đấu Quyền anh căng thẳng. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch giải năm nay vẫn là những gương mặt quen thuộc của giải năm trước, tiêu biểu là VĐV Ri-chac Van A-te-na (Hà Lan).
Ngày nay, bên cạnh sự phong phú của các giải đấu trong hệ thống giải quốc tế như giải Quyền anh chuyên nghiệp thế giới, giải Cờ vua vô địch thế giới, môn Cờ vua - Quyền anh cũng đã có cho riêng mình một giải đấu. Sự ra đời của môn thể thao này cùng sự quan tâm, yêu thích của NHM là một minh chứng cho thấy bản thân nó tồn tại một sức sống riêng, một sự lôi cuốn kỳ lạ và biết đâu trong tương lai lại có những môn thể thao phối hợp tương tự được ra đời. Biết đâu, một ngày kia Việt Nam sẽ có một Đào Thiên Hải vừa giỏi Cờ lại giỏi cả Quyền anh?
NTH