Kết thúc thành công giải Cờ vua thế giới khu vực 3.3, tin vui lại tiếp tục đến với NHM Cờ cả nước khi Bà Rịa - Vũng Tàu chính thức trở thành chủ kỳ đài giải Vô địch Cờ vua các nhóm tuổi trẻ thế giới 2008. Sự kiện này không chỉ đánh dấu bước phát triển mãnh mẽ của phong trào Cờ vua Việt Nam, vị thế của môn Cờ vua trên trường quốc tế mà còn cho thấy bước tiến vượt bậc trong công tác đối ngoại của Ngành nói chung và Liên đoàn Cờ Việt Nam nói riêng.
Chỉ với 13 tổ chức Liên đoàn Cờ cấp tỉnh, thành phố (trong đó, Bắc Ninh mới chỉ thành lập BCH lâm thời) và hơn 40 Bộ môn Cờ thuộc các Sở TDTT trên toàn quốc, phong trào Cờ nói chung và Cờ vua nói riêng đã thu được những kết quả đáng biểu dương. Trong năm 2006, số nguời tập luyện thường xuyên và chơi cờ trong toàn quốc ước tính khoảng trên 800.000 người (Cờ vua: 230.000; Cờ tướng: 370.000 và Cờ vây: 2.000 người), tập trung ở các CLB, các điểm chơi Cờ, lớp năng khiếu thuộc các địa phương có phong trào phát triển mạnh: Hà Nội, Quảng Ninh, Cần Thơ, Đồng Tháp, Tp. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Ninh Bình... và những tỉnh mới nổi trong một vài năm trở lại đây: Bến Tre, Phú Yên, Hải Phòng...
Sự phát triển ngày càng lớn mạnh, rộng khắp cả về bề rộng lẫn chiều sâu của môn Cờ đã được khẳng định khi Cờ vua và Cờ tướng đều được chọn là một trong những môn thi trong chương trình thi đấu của Hội thao Người khuyết tật; là nội dung thi đấu vui chơi giải trí phục vụ các ngày Lễ, Hội, các ngày kỷ niệm lớn. Môn Cờ vua trở thành môn thi đấu chính thức trong các Đại hội thể thao Người khuyết tật trong nước cũng như khu vực Đông Nam Á. Môn Cờ tướng lần đầu tiên cũng đã được đưa vào nội dung thi đấu Đại hội Thể thao Châu Á trong nhà lần thứ II (tổ chức tại Ma Cao năm 2007). Mặc dù, với tốc độ phát triển còn chậm, song môn Cờ vây cũng đã thu hút được NHM Cờ trên toàn quốc bởi lối chơi tao nhã và sự thay đổi cục diện trận đấu một cách nhanh chóng của thế cờ. Đi đầu trong phong trào phát triển Cờ vây tại Việt Nam phải kể đến những đơn vị quen thuộc như: Kiên Giang, Đà Nẵng, Bến Tre, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh...
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu nói đến thành tích của Cờ Việt Nam mà không nhắc đến công tác xây dựng thể thao thành tích cao. Nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2006, Liên đoàn Cờ vua Việt Nam đã phối hợp tốt với các Vụ chức năng, các Sở TDTT trên toàn quốc xây dựng kế hoạch tập huấn, tuyển chọn VĐV vào đội tuyển quốc gia tham dự các giải đấu trong nước và quốc tế. Cụ thể, trong năm 2006, đội tuyển Cờ vua quốc gia đã tập huấn 12 tháng để tham dự Đại hội Thể thao Châu Á lần thứ 15 tại Qatar và Olympic Cờ vua tại Italia, với số lượng 8 VĐV, 2 HLV và 1 chuyên gia người Nga; 6 VĐV Cờ vua trẻ của Đồng Tháp, Tp. Hồ Chí Minh, Kiên Giang tập huấn dài hạn tại Hungari và Singapore; hơn 200 trọng tài Cờ vua, Cờ tướng, Cờ vây đã được bồi dưỡng ngắn ngày qua các lớp tập huấn trọng tài, tiêu biểu có trọng tài Nguyễn Tấn Hùng được Liên đoàn Cờ vua thế giới (FIDE) cấp bằng chứng nhận trọng tài cấp quốc tế trong năm 2006.
Việc cả 3 môn Cờ được đưa vào nội dung thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V đã đánh dấu một bước chuyển mình "lịch sử", là mốc son đáng nhớ ghi nhận sự phát triển đúng hướng của môn Cờ ở Việt Nam. Hơn nữa, việc tăng số lượng các VĐV đạt đẳng cấp trong nước và quốc tế (đến nay có 55 VĐV được phong danh hiệu quốc tế ở cả Cờ vua và Cờ tướng); đạt nhiều thành tích xuất sắc, nổi bật (tại Đại hội Olympic Cờ vua lần thứ 37 ở Italia đoàn Thể thao Việt Nam đã thi đấu xuất sắc, rút ngắn khoảng cách 12 bậc (nam) và 6 bậc (nữ) so với Đại hội lần thứ 36); đoàn Cờ vua trẻ Việt Nam liên tiếp 7 lần xếp hạng Nhất, đạt Cúp luân lưu toàn đoàn giải Vô địch Cờ vua trẻ ĐNA các hạng tuổi từ U8 đến U18 tại Indonesia (60 HCV, 29 HCB, 30 HCĐ); ĐKT Đào Thiên Hải - giành HCB Cờ nhanh tại Đại hội TDTT Châu Á lần thứ 15; Nguyễn Ngọc Trường Sơn - HCV giải Vô địch Cờ vua trẻ U20 Châu Á... càng khẳng định rõ sự tiến bộ vượt bậc các VĐV Cờ Việt Nam.
Ngoài ra, còn phải kế đến những thành tích trong công tác hợp tác quốc tế với các cường quốc có phong trào Cờ phát triển mạnh: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Armenia, Hungari..., ngày càng có uy tín và sự tin tưởng đối với các tổ chức Cờ thế giới và Châu lục; công tác xã hội hoá; công tác quản lý Hội... cũng có những tiến triển nhất định.
Xác định mục tiêu tiếp cận vị trí hàng đầu Châu lục và thế giới, năm 2007, Cờ vua Việt Nam tiếp tục tập trung đầu tư cho các VĐV ưu tú có khả năng giành huy chương tham dự Indoor Games , SEA Games, ASIAD Games... Nhằm thực hiện mục tiêu đề ra trong năm 2007, kế hoạch tập huấn dài ngày tại nước ngoài, tham dự các cuộc thi đấu quốc tế và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ HLV... đã được Liên đoàn Cờ Việt Nam xây dựng công phu và kỹ lưỡng. Có thể khẳng định, với sự chuẩn bị toàn diện đó, Cờ vua Việt Nam sẽ phát triển mạnh về phong trào, giành nhiều thành tích cao tại đấu trường khu vực, châu lục và nâng cao vị thế trên kỳ đài thế giới.
Xuân Nhi