Khoảng 1 thập niên trở lại đây, công tác ứng dụng nghiên cứu KHCN và y học thể thao ở nước ta đã có những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2001, Viện Khoa học TDTT đã kết hợp với các trường Đại học TDTT, các đơn vị khoa học trong ngành kết thúc nghiên cứu thực trạng thể chất người Việt Nam từ 6 - 60 tuổi. Nhiều công trình nghiên cứu về tuyển chọn VĐV, đánh giá trình độ tập luyện ở các môn thể thao đã được công bố góp phần hỗ trợ cho các HLV, các trung tâm đào tạo VĐV nâng cao chất lượng tuyển chọn VĐV, thiết lập và điều chỉnh kế hoạch huấn luyện. Bước đầu chúng ta đã triển khai các đề tài chuyên sâu về sinh thiết cơ, công nghệ Video 2D - 3D, hỗ trợ cho công tác đào tạo VĐV trẻ và nâng cao thành tích thể thao. Nhiều đề tài y sinh học thuộc lĩnh vực kiểm tra y học cho VĐV, nghiên cứu về dinh dưỡng và bổ sung dinh dưỡng cho VĐV, đánh giá trình độ tập luyện dưới góc độ y sinh học, nghiên cứu các phác đồ chữa trị chấn thương cho VĐV và phòng chống doping trong thể thao…
Theo số liệu thống kê, trong những năm qua ngành TDTT đã thực hiện được 4 đề tài độc lập cấp Nhà nước , hàng chục đề tài cấp Bộ và hàng trăm đề tài cấp cơ sở. Ngoài các cơ sở nghiên cứu khoa học ở trung ương, nhiều địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Bắc Ninh…đã triển khai nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả nhiều đề tài cấp tỉnh, thành phố và cấp cơ sở, và kết quả đó được đưa vào thực tiễn công tác tuyển chọn và đào tạo VĐV.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác nghiên cứu KHCN và y học thể thao ở nước ta vẫn còn ở mức khiêm tốn, chưa có sự kết hợp chặt chẽ với nhu cầu thực tiễn của xã hội, của ngành. Và thực tế cũng cho thấy, hàm lượng KHCN trong các sản phẩm TTTTC còn thấp, chưa có sự gắn kết giữa huấn luyện thể thao với nghiên cứu khoa học và phục vụ y học thể thao. Bên cạnh đó, một số các yếu tố như: hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sỹ hoặc cán bộ y học thể thao còn ít (cả nước chỉ có23/63 tỉnh thành có y, bác sỹ, cán bộ y học thể thao); số y, bác sỹ có trình độ cao, tay nghề giỏi trong việc chữa trị chấn thương và chăm sóc sức khoẻ cho VĐV còn hạn chế...
Để công tác nghiên cứu KHCN và y học thể thao của Việt Nam đạt được những bước tiến mới, tiệm cận được nền y học thể thao hiện đại của thế giới, theo GS.TS Lê Quý Phượng - nguyên Viện trưởng Viện khoa học TDTT, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT: "ngay từ thời điểm này chúng ta cần thực hiện một số nhiệm vụ mang tính cấp thiết đó là, Nghiên cứu căn cứ khoa học để xây dựng và hoàn thiện các thiết chế thể dục, thể thao, chú trọng các thiết chế gắn TDTT với văn hoá và du lịch; Chú trọng nghiên cứu cơ chế chính sách đẩy mạnh xã hội hoá kết hợp với sản xuất kinh doanh, dịch vụ TDTT; Hoàn thiện một bước thể dục, thể thao số hoá, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ngành và quản lý VĐV; Xác định quy trình tuyển chọn năng khiếu thể thao; Tiêu chuẩn hoá các cơ sở tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao; Thực hiện giám định khoa học đối với các VĐV trọng điểm; Theo dõi về dinh dưỡng và bổ sung dinh dưỡng, thực hiện các giải pháp hồi phục cho VĐV; Chủ trì khám và chữa trị chấn thương cho VĐV; tăng cường phòng chống doping trong thể thao; Chú trọng đưa ngay các kết quả, thành tựu KHCN và y học thể thao vào thực tiễn công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV, nâng cao trình độ HLV và bác sĩ thể thao...".
Công tác nghiên cứu khoa học và y học thể thao có vai trò, ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự phát triển của TTVN, bởi vậy quan điểm của ngành TDTT sẽ có sự quan tâm đặc biệt tới công tác nghiên cứu khoa học cũng như y học TDTT. Trong quý II/2011, ngành TDTT sẽ tập trung xây dựng và tổ chức đề án phát triển KHCN và y học TDTT, sau đó từng bước triển khai công tác này.
Với sự quan tâm đầu tư của nhà nước, sự ủng hộ của các tổ chức, đơn vị và sự nỗ lực của các nhà khoa học, các chuyên gia... công tác ứng dụng nghiên cứu KHCN và y học thể thao nước nhà sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020.
PV