Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức như tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm vẫn còn ở mức cao (24,3%) và có sự chênh lệch giữa các vùng, nhất là vùng núi, vùng khó khăn. Tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là 30,3% và Tây Nguyên là 34,2%. Suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao còn thấp của thanh niên Việt Nam.
Quảng Nam quyết liệt hỗ trợ
Trẻ em miền núi, vùng DTTS có nhu cầu rất lớn về sữa dinh dưỡng để nâng cao thể chất nên chương trình sữa học đường giúp các em được uống sữa miễn phí là vô cùng cần thiết. Ngày 10/10/2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định thực hiện Nghị quyết số 17 ngày 22/9/2023 của HĐND về hỗ trợ sữa trong bữa ăn học đường cho trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc khu vực I, II, III trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, từ năm học 2023 - 2024 đến hết năm học 2025 - 2026.
UBND tỉnh Quảng Nam giao UBND các huyện Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Núi Thành chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ tổ chức mua sắm, đấu thầu sữa khẩn trương hoàn thành các hồ sơ mua sắm, thủ tục đấu thầu đảm bảo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023 để tiến hành mua sữa và cung cấp sữa cho học sinh uống khi bắt đầu học kỳ I năm học 2024 - 2025 đúng thời gian quy định.
Theo đó, mỗi ngày trẻ được uống 1 hộp sữa dạng lỏng 180 ml, uống 5 lần/tuần trong 9 tháng/năm học; thời gian thực hiện từ tháng 1/2024 đến hết năm học 2025 - 2026 (tương ứng 23 tháng).
Theo Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh Quảng Nam, chương trình Sữa học đường được triển khai đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực I, II, III trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, từ năm học 2022 – 2023 đến hết năm học 2025 – 2026. Cụ thể, định mức mỗi trẻ được uống 1 hộp sữa 180ml, uống 5 lần/ tuần, trong thời gian đủ 9 tháng/ năm học. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chương trình này khoảng 151 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, chương trình vẫn chưa được triển khai thực hiện.
Sau khi nghe ý kiến của các bên liên quan nêu ra lý do việc chậm trễ, PCT UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu Sở GD-ĐT và Sở Tài chính sớm triển khai nhanh chương trình Sữa học đường năm học 2023 – 2024. Về phương pháp tổ chức thực hiện đấu thầu chặt chẽ, quy trình và theo năm học để đảm bảo tính chính xác. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu địa phương giám sát chương trình Sữa học đường trên địa bàn mình quản lý.
Khánh Hòa hỗ trợ 2 huyện miền núi được uống sữa tươi hằng ngày
Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là 2 huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa có đông đồng bào DTTS sinh sống. Từ năm 2016, UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện Đề án Cải thiện dinh dưỡng góp phần phát triển thể lực, tầm vóc người Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020. Mỗi tháng, tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ chi phí học tập, tiền ăn trưa với mức 330.000 đồng/trẻ.
Thông qua tổ chức bữa ăn và sữa học đường cho trẻ mầm non tại 2 huyện miền núi này, tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2020, suy dinh dưỡng thể thấp còi còn dưới 20%, suy sinh dưỡng thể nhẹ cân còn dưới 7%. Tỉnh Khánh Hòa đã hỗ trợ hơn 13,7 tỷ đồng để thực hiện chương trình này. Hiện nay, các trường mầm non, nhà trẻ đều thực hiện chương trình hỗ trợ với hơn 5.300 trẻ ăn bán trú tại trường.
Hiện nay, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở miền núi còn rất cao, chiếm tỷ lệ từ 25 - 39%. Nguyên nhân chính là đặc điểm sinh lý, thể chất và đời sống kinh tế thiếu thốn. Suy dinh dưỡng làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ em miền núi.
Để cải thiện dinh dưỡng cho trẻ mầm non, năm 2024 tỉnh Khánh Hòa tiếp tục hỗ trợ cho tất cả trẻ đang theo học ở các trường mầm non công lập, nhóm trẻ tư thục ở 2 huyện miền núi được uống sữa tươi hằng ngày, với tần suất 5 lần/tuần, kéo dài 9 tháng trong năm học. Mục tiêu của chương trình là giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân 0,3%/năm, suy dinh dưỡng thấp còi 0,2%/năm. Chương trình còn hỗ trợ tập huấn, nâng cao kỹ năng chăm sóc dinh dưỡng cho giáo viên, cha mẹ của trẻ. Tổng kinh phí thực hiện chương trình này hơn 61 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, 30% còn lại do đơn vị cung cấp hỗ trợ.
Theo ông, Trần Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, Chương trình sữa học đường thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến chế độ dinh dưỡng của trẻ em miền núi. “Tỉnh Khánh Hòa tiếp tục thực hiện giai đoạn mới là 2024 - 2030, mục tiêu cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng và nâng cao tầm vóc của trẻ em 2 huyện khó khăn. Nhóm 12 - 36 tháng tuổi và nhóm từ 3 - 6 tuổi, về kinh phí từ ngân sách và nhà cung cấp”, ông Dũng chia sẻ thêm.
Bởi theo Phó Giáo sư, bác sĩ Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, người Việt thường thiếu hụt vitamin A, vitamin D, kẽm, sắt, thiếu đa vi chất, khẩu phần canxi thấp. Ngoài ra, thiếu vi chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em và khả năng sinh sản, cũng như năng suất lao động của người lớn. Trong khi đó, việc thực hiện chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chế độ dinh dưỡng học đường, dinh dưỡng cho người lao động, mới chỉ đạt kết quả bước đầu.
Mai Hoa