Sáng 28/7, Ánh Nguyệt hoà cung thủ Nhật Bản Ren Hayakawa 5-5 sau năm hiệp. Trận đấu phải quyết định bằng loạt shoot-off, mỗi cung thủ bắn một phát để xem mũi tên của ai gần hồng tâm hơn, người đó sẽ thắng. Hayakawa bắn trước, với nhịp tim 139 nhịp mỗi phút (bpm) vào thời điểm cô buông tay khỏi mũi tên. Cung thủ 33 tuổi bắn được tám điểm.
Đến lượt Ánh Nguyệt, cung thủ 20 tuổi có nhịp tim lên tới 157 bpm khi bắn. Cô đạt điểm bảy, thua loạt shoot-off, đồng nghĩa thua cả trận và chia tay Olympic. Vì sao Olympic đo được nhịp tim của Ánh Nguyệt? Ánh Nguyệt có nhịp tim 157 bpm trước khi bắn phát quyết định.
Trong các trận đấu bắn cung Olympic, ban tổ chức phối hợp với đài phát sóng cho hiển thị nhịp tim của các VĐV trước khi họ nhả mũi tên. Hầu hết những phát bắn của cung thủ đều hiển thị nhịp tim trên màn hình. Các cung thủ không biết được nhịp tim của họ, mà chỉ khán giả mới nhìn thấy trên truyền hình.
"Bắn cung là môn thể thao đầu tiên cung cấp dữ liệu sinh trắc học thời gian thực, trong lịch sử Olympic", Liên đoàn Bắn cung Thế giới WA thông báo. "Trong các nội dung đơn, nhịp tim của các cung thủ được hiển thị trên sóng trực tiếp, giúp khán giả hình dung được sự căng thẳng và adrenaline của VĐV. Máy quay từ xa sẽ đo những thay đổi nhỏ nhất về màu da trên khuôn mặt của cung thủ, để tính tốc độ bơm máu qua các mạch".
Nhịp tim của người bình thường dao động từ 60 đến 100 bpm. Nhịp tim sẽ tăng cao hơn những lúc căng thẳng.
Trung bình nhịp tim của Ánh Nguyệt trong năm hiệp đầu là 143 bpm, và tăng cao hơn ở những phát bắn cuối mỗi hiệp. Phát bắn đem lại điểm thấp nhất cho Ánh Nguyệt là năm điểm, khi nhịp tim của cô lên cao nhất 154 bpm. Ở phần shoot-off, nhịp tim của cô tăng lên tới 157 bpm, hơn 9,8% so với mức trung bình. Còn nhịp tim trung bình của Hayakawa là 126 bpm, đến phần shoot-off tăng lên 139 bpm, hơn 10,3% so với trung bình. Hayakawa bắn được tám điểm ở shoot-off, còn Ánh Nguyệt chỉ được bảy điểm.
*Nhịp tim của Ánh Nguyệt và Hayakawa ở vòng 1/32 (x là không có dữ liệu)
Nhịp tim của Ánh Nguyệt cao hơn một vài cung thủ khác ở Olympic. Ở trận vòng 1/32 đơn nam giữa Takaharu Furukawa (Nhật Bản) và Luis Alvarez (Mexico), nhịp tim của họ cũng dao động trong khoảng 90 bpm đến 120 bpm.
Trong trận đấu vòng 1/16 đơn nữ giữa Miki Nakamura (Nhật Bản) và Jang Minhee (Hàn Quốc), nhịp tim trung bình của họ lần lượt là 118 bpm và 110 bpm. Đến phát bắn cuối cùng để thắng, nhịp tim của Nakamura tăng lên 148 bpm, đạt tám điểm. Cô không bắn điểm nào thấp hơn trong suốt trận đấu. Với Jang, nhịp tim cao nhất là 119 bpm, khi cô chỉ bắn được bảy điểm - kết quả tệ nhất trận. Chung cuộc Nakamura thắng Jang 6-2 sau bốn hiệp.
Những chỉ số trên cho thấy nhịp tim tăng cao hơn, thường dẫn tới điểm số thấp hơn. Tất nhiên cũng có những ngoại lệ, nhưng nhịp tim tăng quá cao không phải dấu hiệu tốt. Đây là lần đầu Ánh Nguyệt dự Olympic, và cô cũng là VĐV Việt Nam trẻ nhất ở Tokyo. Cung thủ 20 tuổi khó tránh khỏi hồi hộp, dẫn tới nhịp tim cao hơn bình thường, hay cao hơn đối thủ khác.
Trong quá trình chuẩn bị cho Olympic, đội tuyển bắn cung Hàn Quốc cũng sử dụng công nghệ tương tự để kiểm soát nhịp tim của các cung thủ. Mỗi lượt bắn, các cung thủ sẽ xem lại các chỉ số của bản thân, để điều chỉnh cho thích hợp. Nhịp tim của các cung thủ Hàn Quốc khi thi đấu cũng bằng hoặc cao hơn một chút so với ngưỡng của một người bình thường.
Cung thủ Jake Kaminski - á quân Olympic 2016 đồng đội nam - từng tiết lộ rằng anh cùng đội tuyển bắn cung Mỹ cũng dùng vòng đeo tay để kiểm soát nhịp tim khi luyện tập và thi đấu. Anh nói với NBC khi đó: "Đây là giải đầu tiên tôi đeo thiết bị này, để theo dõi cảm giác của mình so với hoạt động của cơ thể. Từ đó, tôi điều chỉnh sự tập trung cho những phát bắn tiếp theo. Khi thi đấu, nhịp tim chúng tôi dao động khoảng 120-130 bpm, và không giảm ngay cả khi giải lao. Còn khi luyện tập, nhịp tim chỉ khoảng 100-110 bpm".
Xuân Bình