Sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em ở Bình Hải – Nghĩa Phú – Nghĩa Hưng – Nam Định, bà Sen tham gia tập bơi từ năm 1960. Chỉ sau 1 năm tập luyện, bà Sen đã chứng tỏ khả năng của mình với ngôi vị Vô địch bảng B tại giải Bơi cấp huyện và cấp tỉnh. Liên tiếp các năm sau đó (1962, 1963, 1964, 1965), bà Sen bổ sung thêm vào bộ sưu tập thành tích của mình những tấm HCV tại giải Bơi toàn miền Bắc (bảng B) và giải vô địch Bơi toàn miền Bắc (bảng A).
Với những thành tích giành được, bà Sen được chọn vào đội tuyển quốc gia và được cử tham dự Đại hội thể thao châu Á - GANEFO-66 được tổ chức tại Phnong Pênh (Cam Pu Chia). Tham gia Đại hội này, kình ngư Vũ Thị Sen tranh tài ở 2 nội dung là 100m và 200m Ếch. Và ở cả 2 nội dung, Vũ Thị Sen giành được 1 HCV, 1 HCB. Ấn tượng hơn khi tấm HCV ở nội dung 200m Ếch còn lập kỷ lục châu Á mới.
|
Bà Vũ Thị Sen - cựu vô địch 200m Ếch Ganefo 1966 (Ảnh: Văn Duy) |
Nói về kỷ niệm 2 lần gặp Bác, bà Sen tâm sự, lần đầu tiên tôi được gặp Bác là vào tháng 11/1965, khi mới 17 tuổi. Lúc đó, cùng đoàn VĐV Bơi, Bóng bàn Trung Quốc đến chào Bác nhân dịp sang Việt Nam du đấu. Lần này chỉ đứng nhìn Bác chứ không được gần Bác nhiều cũng không được nói chuyện cùng Bác. Gần 1 năm sau, tôi lại vinh dự được gặp Bác. Đó là buổi chiều ngày 19/12/1966, tôi cùng 3 VĐV khác là Trần Oanh, Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Hữu Chỉ (4 VĐV Việt Nam giành HCV tại GANEFO 1966) và cả đoàn thể thao tham dự Đại hội này được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch.
Ngày hôm đó, khi đang sơ tán tại Sơn Tây (Hà Tây cũ), xe đến đón cả 4 anh em về Hà Nội và chỉ cho biết là “về báo cáo với lãnh đạo”. Khi đến Ủy ban TDTT (Tổng cục TDTT bây giờ), các thầy vẫn giữ bí mật và giao cho tôi nhiệm vụ đại diện cho 4 VĐV giành HCV báo cáo thành tích. Xe chở chúng tôi tới Phủ Chủ tịch. Chúng tôi ai nấy đều sung sướng và cảm thấy vinh dự khi được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đến lúc đó vẫn không ai nghĩ sẽ được gặp Bác. Rồi Bác bất ngờ xuất hiện. Bác ngồi cùng các VĐV phía dưới chứ không ngồi hàng ghế trên của các lãnh đạo. Quá bất ngờ và sung sướng, tất cả chúng tôi bật khóc và nghẹn lời chào Bác... Tôi thật sự không ngờ tới vinh dự ấy bởi Bác bận trăm công nghìn việc, phải gặp biết bao nhiêu người. Vậy mà Bác đã dành thời gian gặp chúng tôi, qua đó có thể thấy Bác quan tâm thể thao đến nhường nào.
48 năm qua, tôi vẫn nhớ như in lời Bác dạy: Thành tích của các cháu hôm nay là rất đáng mừng, song thắng không kiêu, bại không nản, các cháu phải cố gắng hơn nữa để đem thành tích về cho tổ quốc. Lời dạy của Người đã luôn nhắc nhở, động viên tôi trong công việc mặc dù nay đã về hưu nhưng tôi sẽ tiếp tục cống hiến hết mình vì sự nghiệp thể thao nước nhà.
KC