Để đánh giá trình độ phát triển nền thể thao của mỗi quốc gia, bên cạnh thành tích, kỷ lục, cơ sở vật chất hay những sự kiện thể thao quốc tế được tổ chức đăng cai...lực lượng tài năng trẻ cũng được xem là một trong những yếu tố quan trọng. Đây chính là nguồn vận động viên tiềm năng cung cấp sức mạnh thể thao cho mỗi quốc gia trong tương lai.
Trong nhiều năm qua, công tác đào tạo tài năng trẻ bóng bàn, cầu lông nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung là một trong những nhiệm vụ quan trọng được quan tâm và chú trọng thực hiện theo hướng đồng nhất ở tất cả các cấp, các trung tâm, các bộ môn, liên đoàn, hiệp hội.
Chiến lược đào tạo trẻ của cầu lông Việt Nam
Sau Đại hội Liên đoàn cầu lông Việt Nam nhiệm kỳ lần thứ VII (2024-2028), Chủ tịch Liên đoàn cầu lông Việt Nam ông Lê Đăng Xu đã khẳng định: “Đây sẽ là nhiệm kỳ quan trọng của cầu lông Việt Nam. Trong đó, chúng tôi sẽ tập trung vào công tác đào tạo huấn luyện gương mặt trẻ triển vọng. Chỉ có như vậy mới mong Liên đoàn phát triển bền vững. Xuyên suốt nhiệm kỳ lần thứ VI, bộ phận chuyên môn của Liên đoàn cầu lông Việt Nam có sự phối hợp với bộ môn cầu lông (Cục Thể dục - Thể thao) thực hiện nhiều chương trình đào tạo, tập trung đầu tư cho các tay vợt trẻ để tìm những cơ hội thành công trong các giải đấu quan trọng. Chính vị vậy mà chúng ta mới có những Nguyễn Thùy Linh, Nguyễn Thị Thu Huyền… như hiện nay”.
Cầu lông Việt Nam có hai tay vợt đang được chú ý nhất và là tuyển thủ Olympic: Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát. Ngoài ra, hai tay vợt trẻ được đánh giá triển vọng ở sau họ là Nguyễn Hải Đăng, Vũ Thị Anh Thư dù họ chưa có được các dấu ấn cụ thể và tay vợt 13 tuổi Nguyễn Thị Thu Huyền, VĐV xuất sắc giành được HCB nội dung đơn nữ nhóm tuổi U15 tại giải vô địch trẻ châu Á 2024.
Tổng Thư ký Liên đoàn cầu lông Việt Nam, ông Lê Thanh Hà phân tích: “Việc đầu tư cho Thu Huyền cùng nhiều tay vợt trẻ khác sẽ theo chiến lược cụ thể, là tập trung đào tạo chuyên môn, tăng cường tham dự giải đấu quốc tế. Nguồn lực hiện nay của cầu lông không nhỏ. Hiện tại nguồn quỹ đang có hơn 8 tỉ đồng. Dù nhiệm kỳ lần thứ VI (trong đó có giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19), Liên đoàn cầu lông Việt Nam vẫn tìm được nguồn thu hơn 4 tỉ đồng. Với con số hơn 8 tỉ đồng, nguồn lực của Liên đoàn cầu lông Việt Nam giành cho đào tạo trẻ và các hoạt động khác là không ít”.
Quan trọng hơn, các giải đấu cầu lông quốc gia, quốc tế tại Việt Nam đều rất hút các nhà tài trợ. Công tác xã hội hóa trong đào tạo trẻ cũng được đặt ra, bởi chỉ tài trợ cho các giải đấu chỉ là bước đầu trong công tác xã hội hóa.
Bên cạnh đó, chuyên gia Hariawan của Indonesia đến Việt Nam làm việc không chỉ riêng nhiệm vụ tập luyện cho đội tuyển quốc gia. Vị huấn luyện viên này còn thêm vai trò xây dựng các kế hoạch dành cho đào tạo trẻ, nâng tầm các giải trẻ các lứa tuổi quốc gia, giải thanh thiếu niên quốc gia và giải trẻ vô địch quốc gia.
Có sự đầu tư và chiến lược bài bản, rõ ràng, đã tạo điều kiện để Giải Cầu lông trẻ tranh cúp Báo Tuổi trẻ Thủ đô thu hút tới 1200 VĐV tham gia thi đấu, thông qua giải đấu, nhiều VĐV có năng khiếu đã được phát hiện từ đó có định hướng luyện tập chuyên sâu, trở thành nguồn VĐV tiềm năng của cầu lông.
Năm 2025, lãnh đạo môn cũng như liên đoàn Cầu lông đã bắt đầu xây dựng kế hoạch chuẩn bị đối với SEA Games 33 và các giải đấu khu vực và châu lục khác cho các VĐV trẻ.
Liên đoàn cầu lông Việt Nam cho biết, cơ hội tranh chấp huy chương đang chia đều cho các đội bởi khi chưa thi đấu, từng tay vợt sẽ được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất. Bởi SEA Games 33 sẽ diễn ra vào cuối năm 2025. Các VĐV trẻ sẽ có hơn một năm chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất, hoàn thiện thêm chuyên môn, sẵn sàng cho đấu trường này.
Thực tế, môn cầu lông của SEA Games đang quy tụ các tay vợt hàng đầu thế giới của thể thao Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan tham gia. Chính vậy, giành được huy chương cầu lông ở đấu trường SEA Games chưa bao giờ là dễ dàng cho tay vợt Việt Nam.
Bóng bàn – Các doanh nghiệp bắt tay vào đào tạo trẻ
Ðể phát triển lên tầm cao mới, giữ vững được vị thế đã có được tại khu vực Đông Nam Á, bóng bàn Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ cho đào tạo trẻ, song việc này quá tốn kém kinh phí và thời gian, vì thế nếu sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước thì không biết đến bao giờ mới có thể triển khai những kế hoạch dài hạn.
Trong vài năm gần đây, bóng bàn Việt Nam xuất hiện không ít các tài năng trẻ được kỳ vọng. Tuy nhiên, những VÐV nam trẻ như Ðinh Anh Hoàng, Lê Ðình Ðức mặc dù đã có được thương hiệu cá nhân ở nội dung đôi nam, song vẫn chưa thể vươn lên đỉnh cao ở các nội dung cá nhân. VÐV trẻ Nguyễn Hoàng Lâm vô địch U17 Ðông Nam Á, nhưng vẫn chưa được đánh giá cao tại các giải trong nước. Về nữ, Trần Mai Ngọc vẫn chưa thể vượt qua các đàn chị Diệu Khánh, Mỹ Trang, Nguyễn Thị Nga. Tay vợt Ðỗ Lê Vân Chi từng lọt vào tốp 8 Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân năm 2023 khi mới 13 tuổi cũng đang loay hoay tìm cơ hội khẳng định tài năng cá nhân.
Không có nguồn tài trợ, không thi đấu ở các giải quốc tế lớn, các VĐV trẻ khó có thể bứt phá. Ðể phá vỡ rào cản này cần có chiến lược đầu tư mạnh mẽ. Bởi không phải là môn thể thao nằm trong kế hoạch hướng tới Olympic, ASIAD, cho nên hầu như bóng bàn không có cơ hội sử dụng ngân sách nhà nước mà cần thực hiện bằng nguồn xã hội hóa.
Chính vì vậy mà hiện nay, những gương mặt kỳ cựu như Nguyễn Anh Tú vẫn thâu tóm hàng loạt ngôi vị của những giái đấu uy tín nhất quốc gia như: HCV tại Giải vô địch bóng bàn quốc gia 2024, HCV Giải các đội mạnh quốc gia và HCV Giải các cây vợt xuất sắc quốc gia. Anh Tú cũng là tay vợt giành ngôi Á quân Giải vô địch bóng bàn Ðông Nam Á 2024.
Về nữ, Nguyễn Khoa Diệu Khánh kết thúc năm thi đấu với tấm HCV đơn nữ Giải vô địch Ðông Nam Á, đây là ngôi vị mà các tay vợt Việt Nam đều mơ ước, cùng với đó là HCV vô địch tại Giải vô địch bóng bàn quốc gia năm 2024, Giải các đội mạnh quốc gia. Còn Mai Hoàng Mỹ Trang dù ở tuổi 36 vẫn giành HCV ở Giải các cây vợt xuất sắc quốc gia.
Là môn thể thao khá phổ biến tại Việt Nam, bóng bàn thu hút nhiều người chơi, từ đó góp phần tích cực để phát hiện những tài năng trẻ. Mặc dù vậy, để các tài năng trẻ đó vươn lên đỉnh cao là một quá trình cực kỳ khó khăn. Trong 2 năm 2023, 2024, bóng bàn trẻ Việt Nam liên tiếp dự giải trẻ Đông Nam Á và giành kết quả tích cực. Giới chuyên môn nhìn nhận, tay vợt trẻ (nam, nữ) của Việt Nam có nhiều nhân tố triển vọng chuyên môn. Thế nhưng, khi đã có con người triển vọng như vậy, việc đầu tư phát triển tiếp theo giúp họ đạt tới ngưỡng cao hơn là điều cần thiết hơn cả. Bóng bàn trẻ Việt Nam chứng kiến không ít tay vợt thành danh ở lứa tuổi trẻ nhưng lại không đạt được dấu ấn chuyên môn khi trưởng thành.
My My