“Người không phổi”
Giành suất đến Olympic Tokyo 2020, Tiến Minh có lần thứ tư góp mặt ở Thế vận hội, trường hợp “độc nhất vô nhị” của thể thao Việt Nam. Tuổi 36 vẫn đoạt HCĐ châu Á, 38 tuổi vẫn giành quyền dự Olympic và rất nhiều danh hiệu khác, Tiến Minh chính là biểu tượng của cầu lông Việt Nam. Tuổi 38, cái tuổi mà có rất nhiều VĐV đã giải nghệ để dành thời gian cho gia đình, hoặc chuyển sang công tác huấn luyện thì với Tiến Minh anh vẫn miệt mài với đam mê, vẫn cho thấy sự bền bỉ, dẻo dai đáng nể. Tay vợt người TP.HCM chưa cho thấy có dấu hiệu của tuổi tác khi anh vẫn không có đối thủ ở các giải trong nước. Để có đủ điều kiện tham dự Olympic, Tiến Minh đã không ngừng nỗ lực tập luyện, đi nước ngoài thi đấu tích điểm. Phần lớn trong năm 2019, Tiến Minh và vợ Vũ Thị Trang gần như đi vòng quanh Trái đất để thi đấu các giải thuộc hệ thống Challenger. Đến đâu, “người không phổi” của cầu lông Việt Nam cũng nỗ lực thi đấu trên 100% khả năng, anh “cày” từng điểm số một để rồi thành quả đến là có đủ số điểm tích lũy và một vé chính thức đến Tokyo.
Đấu trường Thế vận hội là cực kỳ khắc nghiệt, bản thân Tiến Minh khi còn đỉnh cao phong độ - thời điểm nằm trong top 10 thế giới cũng chẳng thể tiến sâu tại Olympic dù anh từng giành HCĐ giải VĐTG. Tiến Minh tâm sự rằng mình đã 38 tuổi nên sự kỳ vọng chắc chắn sẽ không còn như trước, vì thế tại Olympic Tokyo sắp tới, bản thân cũng chỉ biết cố gắng, nỗ lực hết mình trong các trận đấu. Thực tế thì đến thời điểm này, với những gì mà Tiến Minh làm được trong việc giúp cầu lông Việt Nam một lần nữa góp mặt tại Thế vận hội thì đã nằm ngoài sự mong đợi của người hâm mộ. Hơn 20 năm theo đuổi niềm đam mê, Tiến Minh đã cống hiến rất nhiều cho cầu lông Việt Nam và giờ đây, ở kỳ Olympic có thể xem là cuối cùng trong sự nghiệp, hãy để cho anh tiếp tục cống hiến và “tận hưởng” những trận đấu thực sự trọn vẹn.
“Cháy” hết mình cho giấc mơ
Giành vé đến Tokyo, Nguyễn Thùy Linh có lần đầu tiên trong sự nghiệp tham dự Thế vận hội. Tuổi 24, giấc mơ và cũng là mục tiêu lớn nhất trong sự nghiệp của tay vợt người Phú Thọ đã trở thành sự thật. Đó sẽ là bước ngoặt đánh dấu bước đột phá mới trong sự nghiệp của Thùy Linh để cô tiếp tục giúp cầu lông nữ Việt Nam ghi dấu trên bản đồ quốc tế. “Khi biết tin mình có suất dự Olympic, cảm giác vui không thể diễn tả. Sau bao nhiêu cố gắng, cuối cùng giấc mơ ấp ủ bao lâu đã trở thành sự thật”, Thùy Linh chia sẻ.
Giống như người đàn anh Tiến Minh, hành trình đến Tokyo của Thùy Linh cũng rất gian nan. Năm 2019, Thùy Linh liên tục “cầy ải” ở các giải vòng loại Olympic từ Nam Á, châu Âu, châu Phi hay châu Úc. Đường tới Tokyo của Thùy Linh cũng gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của Vũ Thị Trang và nhờ thi đấu tốt ở một số giải quốc tế cuối năm 2019, Thùy Linh mới vượt lên người đàn chị để duy trì khoảng cách 700 điểm cho đến khi kết thúc vòng loại. Với Thùy Linh, đường đến Thế vận hội lần đầu tiên trong sự nghiệp cũng gian nan giống như hành trình trở thành tay vợt số 1 Việt Nam. Từ khi mới 10 tuổi, Thùy Linh đã sớm phải xa gia đình, xuống tập luyện tại lớp năng khiếu ở Hà Nội. Năm 12 tuổi, Thùy Linh liên tục nhận những cú “sốc” từ sự ra đi của người thân, đó là mẹ và ông ngoại, người đưa Linh đến với cầu lông và là “người bạn lớn” của tay vợt trẻ khi cô bị gia đình phản đối đi theo nghiệp thể thao. Nhưng tay vợt sinh năm 1997 đã vượt qua nỗi đau đó. Đam mê, nỗ lực và nghị lực phi thường đã giúp cô trở thành tay vợt nữ số 1 Việt Nam cùng suất dự Olympic, đó như là những lời tri ân mà cô gái quê Phú Thọ muốn gửi đến mẹ và ông ngoại.
Đấu trường Olympic rất gian nan và đó chắc chắn sẽ là sự trải nghiệm tuyệt vời cho Thùy Linh. Tay vợt số 1 Việt Nam đang ở độ chín của sự nghiệp và cô cần “cú hích” như việc được tham dự Thế vận hội để tạo sự đột phá, qua đó hoàn thiện mình hơn, phát triển hơn về trình độ, ổn định về tâm lý để tiếp tục trở thành niềm hi vọng hàng đầu của cầu lông Việt Nam trong thời gian tới. “Thử thách phía trước là rất lớn nên tôi muốn mình hoàn thiện hơn nữa về nhiều thứ, đó cũng là lý do khiến tôi phải nỗ lực, cố gắng hơn trong tập luyện. Mục tiêu của tôi là thi đấu thật tốt từng trận tại Olympic, qua đó có thể giành 1 suất lọt vào vòng 1/16 giống như thành tích mà tôi từng đạt được tại Giải cầu lông VĐTG 2018”, Thùy
Linh cho hay.
Theo kết quả bốc thăm đơn nam môn cầu lông Olympic Tokyo 2020 (từ ngày 24.7 đến 2.8), Tiến Minh (hạng 60 thế giới) nằm ở bảng L với Anders Antonsen (Đan Mạch, hạng 3 TG) và Ade Resky Dwicahyo (Azerbaijan, hạng 80 TG) còn Thùy Linh (hạng 49 TG) nằm ở bảng P đơn nữ cùng Tai Tzu Ying (Đài Loan - Trung Quốc, số 1 TG), Qui Xuefei (Pháp, hạng 41 TG ) và Sabrina Jaquet (Thụy Sĩ hạng 46 TG).
|