Được tổ chức thường niên 2 năm một lần, Đại hội TDTT Sinh viên Đông Nam Á là một trong những sân chơi lớn nhất dành cho sinh viên các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đại hội TDTT Sinh viên lần thứ 13 dự kiến sẽ diễn ra từ 23 đến 29/12/2006 tại Hà Nội, Việt Nam (môn Bóng đá sẽ diễn ra sớm hơn từ 18 đến 29/12/2006). Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam đăng cai tổ chức giải đấu ý nghĩa này.
Với chủ đề "Sinh viên khối ASEAN vì hợp tác, sáng tạo và thành công", Đại hội lần này đã thu hút gần 3000 vận động viên, huấn luyện viên đến từ 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Các vận động viên sẽ tham gia ở 11 môn thi đấu (Bóng đá, Điền kinh, Bơi lội, Bóng chuyền, Bóng rổ, Cầu lông, Taekwondo, Pencak Silat, Bóng bàn, Cờ vua và Karatedo) tranh 149 bộ huy chương. Tham dự Đại hội lần này, Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp với Uỷ ban TDTT sẽ lựa chọn ra khoảng 300 vận động viên Việt Nam từ tất cả các trường Đại học, Cao đẳng trên toàn quốc.
Ban tổ chức cho biết để tận dụng tiết kiệm tối đa nguồn kinh phí, Ban tổ chức sẽ sử dụng những địa điểm thi đấu, cơ sở vật chất hiện có để tổ chức Đại hội. Các môn thi sẽ diễn ra ở 10 địa điểm thi đấu trong đó 5 địa điểm đã từng tổ chức các môn thi đấu tại SEA Games 22 (Khu liên hợp thể dục thể thao Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước, Cung thể thao quần ngựa, Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, nhà thi đấu Cầu Giấy). Lễ Khai mạc và Bế mạc của Đại hội sẽ diễn ra tại Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Mỹ Đình.
5 địa điểm thi đấu còn lại sẽ được tổ chức ở 5 nhà thi đấu của 5 trường Đại học lớn ở Hà Nội là Đại học Bách Khoa, Đại học TDTT I, Đại học Nông nghiệp, Đại học Sư phạm và Đại học Ngoại ngữ. Nhà thi đấu của Bách Khoa, TDTT I và Nông nghiệp đều mới được xây dựng và khánh thành đầu năm 2006 còn 2 nhà thi đấu của Sư phạm và Ngoại ngữ đang trong giai đoạn nâng cấp. Các dụng cụ thi đấu, trang phục thi đấu, hệ thống tính điểm và tính giờ (đã sử dụng tại SEA Games 22) sẽ được chuyển đến các địa điểm thi đấu của Đại hội.
Một cuộc thi thiết kế và sáng tác mẫu biểu trưng, biểu tượng và bài hát cho Đại hội do Ban tổ chức phát động từ đầu năm 2006. Qua cuộc thi, bài hát chính thức của Đại hội lần này sẽ mang tựa đề "Bài ca thể thao sinh viên ASEAN" do nhạc sĩ Văn Dung - Hội nhạc sĩ Việt Nam sáng tác, mẫu biểu trưng của Đại hội sẽ là mẫu hình chữ "U" của họa sĩ Lê Quý Hải - Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp và biểu tượng vui "cá chép" của hoạ sĩ Phạm Văn Nghĩa - ĐH Mỹ thuật công nghiệp đã trở thành biểu tượng chính thức của Đại hội.
Các công tác chuẩn bị về ăn, ở, phương tiện đi lại cho các quan chức, HLV, VĐV các nước cũng đã được Uỷ ban TDTT, Bộ Giáo dục đào tạo, các cơ quan, tổ chức có liên quan lên kế hoạch xây dựng và sẽ được đưa ra bàn bạc, quyết định trong tháng 4. Ban tổ chức sẽ tận dụng những khu chung cư cao tầng, các khu ký túc xá của sinh viên làm nơi ăn, ở cho các VĐV. Dự kiến, đến cuối tháng 4, chương trình kế hoạch tổ chức Đại hội sẽ được đưa ra để thống nhất. Và cho đến thời điểm này, có thể nói hầu hết công tác chuẩn bị của Ban tổ chức cho Đại hội đã bước vào giai đoạn hoàn thành cuối cùng.
Đại hội TDTT Sinh viên Đông Nam Á không những là sân chơi bổ ích, thúc đẩy phong trào rèn luyện thân thể trong sinh viên mà còn là nơi để sinh viên các nước trong khu vực Đông Nam Á giao lưu, học hỏi nâng cao hơn nữa tinh thần hợp tác hữu nghị giữa các nước trong khu vực. Tin rằng với những thành công rực rỡ tại SEA Games 22, PARA Games 2, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức thành công Đại hội thể thao lớn nhất của sinh viên trong khu vực.