Mặc dù được du nhập vào Việt Nam chưa lâu và chỉ chính thức có cơ quan quản lý từ năm 2004 (thành lập Bộ môn Đấu kiếm - Tổng cục TDTT) nhưng Đấu kiếm Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trên đấu trường quốc tế. Bên cạnh việc phong trào ngày càng thu hút nhiều đơn vị tham gia tập luyện và thi đấu (với trên 100 VĐV trên cả nước), Đấu kiếm đỉnh cao của Việt Nam đã có những hướng đi phù hợp, tạo nền móng vững chắc trong quá trình hội nhập, phát triển. Thành tích 3 HCV - vượt chỉ tiêu tại SEA Games 24 là kết quả đáng mừng song mục tiêu chính của năm 2008 - đấu trường Olympic xem ra vẫn quá sức với các kiếm thủ Việt Nam.
Được biết, môn Đấu kiếm tại Olympic 2008 sẽ có tổng cộng trên 100 suất
ở 6 nội dung cá nhân nam, nữ kiếm chém, kiếm liễu, kiếm ba cạnh và 4 nội dung đồng đội: kiếm ba cạnh, kiếm chém nam, kiếm liễu, kiếm chém nữ. Số này phần lớn được lựa chọn dựa trên hệ số điểm tích luỹ qua các giải đấu, trong khi đó các VĐV Việt Nam có rất ít cơ hội tham dự các giải quốc tế và trình độ vẫn còn khiêm tốn nên số điểm tích luỹ được chưa nhiều.
Tuy nhiên, để có thêm cơ hội học hỏi và thực hiện mơ ước tới Olympic, kế hoạch tập huấn và thi đấu quốc tế trong năm 2008 của Đấu kiếm Việt Nam sẽ được tăng cường. Vào cuối tháng 4/2008, đội sẽ tham dự giải Vô địch Châu Á năm 2008 diễn ra tại Thái Lan. Đây chính là giải đấu nằm trong hệ thống tích điểm của môn này tại khu vực Châu Á nên thành tích tại giải sẽ có ý nghĩa quan trọng để Liên đoàn Đấu kiếm quốc tế xét tuyển VĐV tham dự Đại hội. Theo kế hoạch, Việt Nam dự kiến sẽ cử 10 kiếm thủ nam và nữ tranh tài tại giải đấu này.
Trong số những gương mặt tiêu biểu của Đấu kiếm Việt Nam có khả năng giành vé chỉ có thể kể đến nữ kiếm thủ Nguyễn Thị Lệ Dung. Với tấm HCV tại SEA Games 24 và từng giữ vị trí 14/46 VĐV tham dự giải Vô địch Châu Á năm 2007, Nguyễn Thị Lệ Dung đang cháy bỏng khát khao đạt được thành tích tốt nhất tại giải đấu tới để có thêm điểm đến Bắc Kinh.
Song cũng cần nhìn nhận một thực tế, hiện trạng của Đấu kiếm Việt Nam trong những năm gần đây còn gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm hiện tại, do yêu cầu về kinh phí quá cao cho môn thể thao này nên mới chỉ có 6 đơn vị dám mạnh dạn đầu tư: Hà Nội, Tp.HCM, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, trong đó, chỉ có Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là 2 đơn vị có tương đối đầy đủ cơ sở vật chất để phục vụ tập luyện và được đầu tư bài bản.
Đã vậy, các quốc gia trong khu vực lại "ra sức" đầu tư cho Đấu kiếm với hệ thống cơ cở vật chất đầy đủ, hiện đại, tiêu biểu phải kể đến Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc... và đó cũng chính là những quốc gia có nhiều khả năng sẽ nằm trong số được chọn qua tính điểm. Chính vì vậy, để giành được ít nhất một vé tới Bắc Kinh, Đấu kiếm Việt Nam, ngoài những nỗ lực từ nội lực còn cần thêm thật nhiều may mắn.
Thiên Hà