Hội thường được mở đầu bằng nghi lễ vái tạ Thành Hoàng của làng hay còn gọi lễ tế thần như có ý nghĩa nhắc nhở con cháu nhớ đến ơn đức tổ tiên. Ở đây còn có tục lệ thả đèn thăng thiên (một lồng giấy có khuôn đan bằng tre mỏng, đường kính khoảng 60cm, dài 80cm đến 1m. Trải qua bao nhiêu năm, ngọn đèn lồng thăng thiên vẫn lưu truyền và lại bay lên từ làng quê nhỏ này vào ngày 10 tháng giêng hàng năm., như một biểu tượng văn hoá của làng Sình.
Đến với hội vật làng Sình hôm nay, dẫu hoà nhập cùng những yếu tố mới nhưng truyền thống văn hoá ở đây vẫn còn được bảo lưu. Hội vật làng Sình bao giờ cũng để các thiếu niên vật trước, không phải là mở đầu lấy lệ, mà vật chính thức, sau đó mới đến các thanh niên dự đấu. Đây cũng là một mỹ tục mang ý thức truyền nối, kế thừa nghề nghiệp và truyền thống của cha ông.
Chứng kiến hội vật làng Sình mới thấy được nhiều trận đấu diễn ra thật đẹp mắt với những miếng quật ngã đối thủ thật điêu luyện, ngoạn mục. Tiếng vỗ tay, tiếng reo hò, tiếng trống.... hoà vào nhau tạo thành âm vang sôi động, mỗi khi có một đô vật nào đó trên sới bị "lấm lưng, trắng bụng".
Ngày hội thật đông vui, tấp nập. Năm nay, nhờ tiết xuân ấm áp đã thu hút được nhiều hơn khán giả đến xem, cổ vũ cho hội vật. Bởi lễ hội vật làng Sình là một sinh hoạt văn hoá của người dân Phú Mậu nói riêng cũng như của nhân dân Thừa Thiên Huế nói chung. Hội vật mang đậm bản sắc văn hoá của một vùng, thực sự hướng về truyền thống đấu tranh giữ nước của cha ông. Hơn thế, bởi lễ hội có sức hấp dẫn, nên đã trở thành nhu cầu thưởng thức đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân Thừa Thiên Huế bấy lâu nay.
Kim Phụng (Sở TDTT Thừa Thiên Huế)